11/09/2014 10:09 GMT+7

​Nhìn lại quá khứ theo hướng nhân văn hơn

HÀ HƯƠNG thực hiện
HÀ HƯƠNG thực hiện

TT - Triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Quan tâm đến những tài liệu, hình ảnh lần đầu được công bố này, đông đảo người dân đã đến với triển lãm.

Triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 thu hút đông khách tham quan trong ba ngày đầu diễn ra -  Ảnh: Việt Dũng
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ảnh: H.Hương
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ảnh: H.Hương

Quanh đề tài này, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN).

* Cảm nghĩ của ông về triển lãm này ra sao?

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 (kéo dài đến ngày 31-12-2014) là một hoạt động nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Với triển lãm lần này, công chúng có dịp tiếp cận trực tiếp với những tài liệu hiện vật, tư liệu gốc và nhiều hình ảnh tư liệu lịch sử quý về cách mạng ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II, III và bảo tàng các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình...

- Ở góc độ bảo tàng, tôi cho rằng muốn làm một triển lãm về cải cách ruộng đất chắc phải đầu tư hơn rất nhiều công sức, và nhất là phải có cách tiếp cận mới để có thể đưa ra cái nhìn mới hơn, sâu sắc hơn về cuộc cải cách ruộng đất.

Dĩ nhiên không thể kham toàn cảnh nhưng cố gắng tìm những chủ đề, những câu chuyện mà người ta quan tâm. Những thăng trầm của cuộc cải cách, những thắng lợi, những sai lầm và những sửa sai chỉ là một mặt. Mặt quan trọng khác là con người với những giọng nói khác nhau.

Theo tôi, không nên chỉ kể bằng văn bản mà nên sử dụng giọng nói của những người trong cuộc để kể chuyện của chính họ trong công cuộc cải cách thì sẽ hấp dẫn hơn.

Có nhiều loại nhân chứng khác nhau trong cải cách. Những người làm ra chính sách, những người thực hiện, những cán bộ đi ba cùng bắt rễ, xâu chuỗi. Người ta kể nhiều chuyện lắm. Bà con bần cố nông, bà con nông dân đã chứng kiến trong cải cách ruộng đất. Các gia đình địa chủ, phú nông... Có thể lớp người đó đã qua đời thì còn con cái của họ. Những người vào thời đó 14-15 tuổi, nay cũng hơn 70 tuổi rồi, cải cách ruộng đất đã trở thành một phần ký ức của họ.

Nếu làm được cách tiếp cận nhiều loại nhân chứng trong cuộc thì sẽ có cái nhìn đa dạng về những giọng nói, những con người khác nhau. Cải cách ruộng đất ở Việt Bắc khác, đồng bằng Bắc bộ khác, Khu 4 cũng khác. Ðặc điểm, mức độ mỗi nơi một khác. Làm sao có thể khiến công chúng nhìn nhận cải cách ruộng đất thông qua nhiều lăng kính khác nhau.

Tôi nghĩ đến những cuốn vở ghi chép, những cuốn nhật ký, hồi ký vẫn được gìn giữ ở đâu đó. Chúng ta phải tìm kiếm ở những phương diện khác nhau, những khía cạnh khác nhau. Ðừng nên lấy một khía cạnh để áp dụng cho tất cả mọi người. Cải cách ruộng đất không chỉ là chuyện của nông dân, địa chủ mà còn ảnh hưởng đến tất cả tầng lớp xã hội khác nhau. Người ta đến xem trưng bày làm gì? Ðể hiểu quá khứ, để tìm mình và gia đình mình trong đó, và nhất là để chia sẻ giữa những khách tham quan. Trưng bày góp phần gợi mở, thúc đẩy sự thông cảm, sự nhìn nhận lại quá khứ theo hướng nhân văn hơn, chứ không phải là khoét sâu hận thù.

* Với cá nhân ông, ông lưu giữ những ký ức gì về công cuộc cải cách ruộng đất?

- Tôi nhớ lúc đó gia đình tôi sống ở Tuyên Quang, tôi khoảng 10 tuổi. Phim đầu tiên tôi được xem là phim Bạch Mao Nữ của Trung Quốc. Cả làng hồ hởi đốt đuốc kéo nhau đi xem. Chúng tôi đi bộ hàng cây số đến bãi chiếu bóng, vì đông quá người ta còn xem cả mặt trước lẫn mặt sau màn ảnh.

Bộ phim đó nói về cuộc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc. Cô gái trong phim tóc trắng xóa, phải trốn vào rừng sống do bị địa chủ phong kiến áp bức. Mọi người đang xem căm thù quá đứng lên hô đả đảo, thậm chí ném đá lên màn ảnh. Tôi còn nhớ tên địa chủ được nhắc đến trong phim là Hoàng Thế Nhân. Ðó là bộ phim tôi nghĩ đã gây khí thế cho công cuộc cải cách ruộng đất ở VN.

Bác tôi cũng bị quy địa chủ, cũng bị đấu tố rồi đi tù. Con cái của bác rất khổ. Nhưng sau này cả gia đình đều vươn lên, vượt qua thành kiến, trở ngại và đều thành đạt. Con trai bác Dương Thiệu Chinh - anh Dương Hồng Phi - là một nhà địa chất nổi tiếng. Gần đây, dân làng nhớ công ơn bác cứu cả làng khỏi chết đói năm 1945 nên đã đưa ảnh bác vào thờ trong đình.

Tôi nghĩ ai cũng có những câu chuyện để chia sẻ cho mọi người. Chia sẻ những bài học của mình, dù đó là bài học đau đớn, về việc người ta đã vươn đến tương lai như thế nào. Có những bài học để sửa sai và cứu Ðảng. Còn những người chịu đựng nỗi đau thầm lặng khác, họ chịu đựng đến khi nào. Nhiều người không muốn nói về sự hận thù. Họ cắn răng vươn lên để mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, để xã hội tin cậy.

Ít người biết nhà thư pháp Lê Xuân Hòa sau cải cách ruộng đất đã phải đẩy xe bò bán than. Ðể trở thành nhà thư pháp bậc nhất, ông đã tập viết bằng ngón tay trên đất, trên bàn nước. Viết rồi xóa đi để người khác không đọc được. Mà cũng làm gì có tiền mua giấy bút để viết.

Trưng bày về cải cách ruộng đất nếu kể được những câu chuyện như vậy thì thật thú vị, đắng cay xen lẫn ngọt ngào.

* Vậy làm sao để có thể kể một cách toàn diện về cải cách ruộng đất được, thưa ông?

- Vấn đề nhìn nhận lịch sử là đúng rồi, nhưng nhìn nhận như thế nào, nhìn nhận để làm gì? Nhìn nhận mọi thứ của quá khứ không phải để gây hằn thù, không phải để căm giận. Có cách nhìn nhận kể những câu chuyện lịch sử một cách trung thực để từ đó rút ra được những bài học cho hiện tại và tương lai. Làm được như thế thì không có ngại ngùng gì cả, không có gì nhạy cảm. Mình có thể nói hết tất cả câu chuyện. Hãy lắng nghe suy nghĩ của nhân chứng, của những người trong cuộc, nghe cuộc đời của họ. Nghe và suy ngẫm.

Tại sao con cái không thể kể chuyện về bố mẹ mình. Chuyện học hành, chuyện đời sống lúc cam go. Phải ghi lại và phải kể để rút ra những bài học cho tương lai. Ðấy cũng là lịch sử. Ðể thấy con người VN trong tình thế hiểm nghèo đã ứng xử như thế nào để tồn tại, để sống và hướng về tương lai.

* Nói đến cải cách ruộng đất thời bấy giờ thì những bài học nào giúp chúng ta tránh đi vào vết xe đổ của quá khứ trong vấn đề nông dân và đất đai?

- Chính chúng ta nhìn thấy những bài học mà Bác Hồ đã tổng kết. Muốn tránh vết xe đổ phải nghiên cứu rất kỹ những bài học trong cải cách ruộng đất. Những bài học rập khuôn, sự không tự chủ, không sâu sát, không thực tiễn, mất dân chủ. Hãy nghiên cứu kỹ tất cả điều mà Bác Hồ tổng kết. Tại sao Bác Hồ phải khóc, phải nói những câu chuyện như thế, tại sao những người giữ cương vị cao phải mất chức? Ðó là những bài học về mặt tổ chức, chính quyền. Ðó là những bài học nhãn tiền. Không thể tìm gì khác hơn những bài học đã rút ra trong chính thời kỳ đó.

HÀ HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên