18/09/2019 08:42 GMT+7

Nhìn cảnh xe nhồi nhét người khin khít, tài xế 'đau lòng' lắm chứ!

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

TTO - Tôi có hơn 20 năm gắn bó với nghề lái xe. Gần 9 năm làm giáo viên dạy lái xe, khi trở lại nghề tài xế mới thấy nhiều kiến thức về luật với thực tế mới khác lạ làm sao! Muốn làm người lái xe tốt, lái xe đúng luật quả là quá khó.

Nhìn cảnh xe nhồi nhét người khin khít, tài xế đau lòng lắm chứ! - Ảnh 1.

Một chuyến xe chở quá số ghế, khách nằm kín đường luồng - Ảnh: NHẤT VƯƠNG

Chiếc xe tôi đang lái được một nhà xe hợp đồng chạy tăng cường tuyến Đắk Lắk - Sài Gòn và ngược lại. Mỗi chuyến quay đầu, chủ xe được nhận 8 triệu đồng, tài xế được trả 800.000 đồng.

Chuyến xe đó số khách đông hơn số ghế, khách phải ngồi ở đường luồng. Dọc đường, xe vẫn đón khách đến khi cả hai đường luồng không chỗ nhồi nhét nữa mới thôi. Chiếc xe 42 giường nằm chở gần 60 khách. 

Tôi hỏi ông chủ xe: "Xe mình chở vầy nếu bị phạt ai chịu?". Chủ xe đáp: "Nhà xe phải chịu, vì họ thuê xe mình". Tôi kể câu chuyện chiếc xe chở gấp đôi số khách bị CSGT tỉnh Quảng Ninh xử phạt chủ xe 80 triệu và lái xe 40 triệu. 

Ông chủ xe đăm chiêu: "Quen biết người ta mới gọi mình chạy, không có hợp đồng ràng buộc, đúng là quá phiêu lưu mạo hiểm, nhưng biết làm sao?...".

Tôi hình dung cái kết cục nếu bị xử phạt. Tôi không thể bỏ xe giữa đường! Tôi biết nhiều lái xe thuê trong tâm trạng như tôi và họ vẫn đang chạy vì chúng tôi cần công việc, cần tiền cho gia đình... Ba chuyến xe đi về sau đó đều chở quá số khách. 

Tôi chưa bao giờ đồng tình chuyện chở quá tải, bất chấp vì lợi nhuận. Tôi thấy bất lực khi nhìn hành khách bị nhồi nhét phía sau. Rồi tự nhủ lòng tập trung cao độ để lái xe cho an toàn giữa lúc vẫn phải căng mắt, căng tai lắng nghe lệnh dừng, đỗ bắt thêm khách của người thuê xe. Họ nói với tôi đoạn nào có thể chạy quá tốc độ (nếu bị phạt họ chịu), đoạn nào CSGT hay bắn tốc độ để giảm tốc... 

Tôi mong có hành khách lên tiếng phản đối bởi xe nhồi nhét quá đông để nhà xe thôi không bắt khách nữa, nhưng hành khách vẫn im lặng chịu đựng. Ông chủ xe của tôi nằm ghế sau lưng nhấp nha nhấp nhổm mỗi lần nghe CSGT tuýt còi kiểm tra, tôi cũng "nín thở" sau mỗi lần người thuê xe xuống xe nói chuyện với các anh CSGT. 

Những điều này không có trong luật, không sách vở nào chỉ cho những người lái xe. Anh tài xế nào cũng còn vợ con, lên tiếng cách nào hay phải biết im lặng?

Rồi còn bao chuyện áp lực trên đường. Lý thuyết về biển báo nhưng phải quen đường, quen xe, thời tiết mưa gió, Tây Nguyên đèo dốc quanh co, đêm xuống sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế. 

Khi xe đã kín người không còn bắt khách nữa, chỉ còn tài xế "mắt đảo như rang lạc" để quan sát mặt đường phòng tình huống bất ngờ, tránh những xe vượt ẩu, chạy nhanh lấn đường... Khổ nhất với các biển báo hạn chế tốc độ trên đường như đánh đố, như ma trận giữa lưng chừng dốc, lơ đễnh y như rằng bị lỗi vi phạm tốc độ liền.

Rồi tôi cũng bị thổi phạt lỗi quá tốc độ. Tôi vừa đưa giấy tờ vừa run vừa trình bày hoàn cảnh. Rất may là các anh CSGT nhắc nhở rồi cho đi, nếu không thì cũng đến "ốm" vì tiền phạt! 

Tôi nghĩ về nghề lái xe thuê, về câu chuyện đời phía sau tay lái của những người lái xe thuê khác. Lỗi tốc độ và các hành vi phạm luật trên đường, tài xế cẩn trọng, trách nhiệm là sẽ ổn, nhưng nếu không may bị phạt do xe chở quá số khách thì sao?

Tôi mong các biển báo trên đường thật khoa học, chính xác, dễ nhìn, dễ thấy để lái xe tuân thủ, tránh kiểu đặt các biển báo như giăng bẫy các tài xế. Tại sao không lập trạm, chốt bắn tốc độ công khai để tuyên truyền, giáo dục thay vì "bí mật bắn" vào sự sơ sẩy của tài xế? Những điều này gia tăng áp lực lên tinh thần, ảnh hưởng tay lái tài xế trên mỗi chuyến xe.

Chấp hành luật giao thông là quyền lợi và nghĩa vụ của tài xế. Nhưng pháp luật là để răn đe, ngăn ngừa, không phải để ai đó tìm cách lách để thu lợi. 

Tôi cũng như bao lái xe trên cả nước muốn làm người lái xe tốt, lái xe đúng, mong những chuyến xe bình yên, chở mọi người đi đến nơi, về đến chốn. Mong có thêm những chuyến xe thoải mái, an toàn cho hành khách nhưng thấy quá khó!

Đó là thiệt thòi của hành khách

Có bao nhiêu khoản phí có thể phát sinh bất chợt trên đường? Các khoản này nhà xe sẽ tìm cách thu thêm để bù vào, không tăng tiền vé thì sẽ tăng lượng khách, cắt giảm quyền lợi hành khách trên từng chuyến xe.

Khi tài xế căng mắt, căng đầu vì những biển báo chưa hợp lý trên đường, tài xế bị áp lực sức khỏe và tinh thần vì lái quá nhiều giờ trên đường... là thiệt thòi cho họ và thiệt cho cả hành khách trên xe.

Sát hạch lý thuyết lái xe ô tô: Vì sao phải tăng số câu hỏi theo hạng GPLX? Sát hạch lý thuyết lái xe ô tô: Vì sao phải tăng số câu hỏi theo hạng GPLX?

TTO - Dự kiến, cuối năm nay, bộ đề thi sát hạch lý thuyết lái xe ô tô mới (600 câu) sẽ được áp dụng, thay vì 450 câu như trước đó.

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên