Sáng 6-7, tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội.
Nghị quyết này quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng trên địa bàn TP đến hết năm 2030.
Cụ thể: đối với khu vực ngoại thành là 8m²/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m²/sàn/người.
HĐND TP giao UBND TP tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định; quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động, báo cáo HĐND TP điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Theo Ban pháp chế (HĐND TP), Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ.
Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để Hà Nội xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP.
"Quy định này là giải pháp trước mắt để từng bước giải nén, giảm tải áp lực về quy mô dân số cho các quận nội thành nói riêng và sẽ đạt kết quả khi thực hiện đồng thời, đồng bộ các giải pháp khác" - Ban pháp chế nêu.
Không nên luật hóa
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng để mua, thuê được 15m² ở trong khu vực phố rất đắt đỏ, vì vậy TP Hà Nội nên tôn trọng quyền lựa chọn của người dân.
"Người dân ở bao nhiêu m² thì đó là tùy vào điều kiện của mỗi người, nhưng quan trọng là người ta có công ăn việc làm. Dân đăng ký sống ở Hà Nội nếu họ cảm thấy đủ sức, nếu không thì họ sẽ ra ngoại thành hoặc về quê.
Đây là vấn đề cân đối nguồn lực của cá nhân, không nên đưa ra một tiêu chí để bắt buộc người dân, không nên luật hóa vấn đề này vì đây là quyền của công dân" - vị đại biểu trên nói.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ luật học - đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng điều kiện thực tế và khả năng chi trả cho việc thuê nhà có diện tích từ 15m2 trở lên không phải người dân nào cũng có thể đảm bảo.
"Nếu đòi hỏi cao quá sẽ không phù hợp với khả năng chi trả của người lao động, nên theo tôi, phải làm rõ mục đích đạt được khi đưa ra dự thảo này.
UBND TP Hà Nội nên quản lý bằng nhiều tiêu chí như việc các khu nhà cho thuê phải thông thoáng và không gian cho người thuê không được phép quá chật chội hoặc quá ẩm thấp nhằm bảo đảm cuộc sống, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị. Chứ tôi nghĩ không nên quản lý cứng nhắc khi quy định phải đạt 15m2/người mới cho đăng ký thường trú" - ông Vân nói.
Còn theo luật sư Phan Văn Chiều, dự thảo nghị quyết của TP đương nhiên phải căn cứ theo luật, không thể trái luật, nhưng dự thảo trên chưa phù hợp với Luật Cư trú, cần phải xem xét lại. Việc không được đăng ký thường trú sẽ dẫn đến một số bất cập, đặc biệt là các thủ tục hành chính của người dân.
Cụ thể, một vài thủ tục thường gặp như thủ tục khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp căn cước công dân... và một số thủ tục thông thường như nhập học cho con, thế chấp ngân hàng đều cần dùng đến hộ khẩu thường trú.
"Đương nhiên Hà Nội là đô thị đặc thù nên cần có những cơ chế, chính sách riêng cho phù hợp với điều kiện TP. Tuy nhiên chính sách, cơ chế cũng cần đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật và thuận lợi cho người dân" - luật sư Chiều nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận