18/12/2023 11:18 GMT+7

Nhiều vướng mắc trong đào tạo liên thông đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc tuyển sinh, đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên đại học đang gặp nhiều vướng mắc.

TS Trần Đức Cảnh đề nghị tổ chức lại hệ thống đại học và cao đẳng thành một, không phân chia như hiện nay - Ảnh: MINH GIẢNG

TS Trần Đức Cảnh đề nghị tổ chức lại hệ thống đại học và cao đẳng thành một, không phân chia như hiện nay - Ảnh: MINH GIẢNG

Sáng 18-12, tại Trường đại học Tôn Đức Thắng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm "Liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam".

Khúc mắc đào tạo liên thông đại học

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay tổng số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam là 243 (không kể các trường khối quốc phòng, an ninh). 

Trong đó có 143 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông, chiếm 49%. Đào tạo liên thông hiện tại được áp dụng theo quyết định 18/2017 của Chính phủ.

Trong số này, liên thông chính quy từ cao đẳng lên đại học chiếm số lượng nhiều nhất với 85 trường. Liên thông từ trung cấp lên đại học chiếm khoảng 50% số trường đào tạo. 

Hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có quy mô đào tạo liên thông lớn nhất, trên 12.000 sinh viên mỗi ngành.

Đi vào chi tiết, liên thông vừa làm vừa học từ cao đẳng lên đại học có số chương trình đào tạo nhiều nhất là 411, từ cao đẳng lên đại học chính quy có 390 chương trình. Quy mô liên thông đại học vừa làm vừa học áp đảo so với chính quy. 

Trong đó, từ cao đẳng lên đại học vừa làm vừa học hơn 41.000 sinh viên, từ trung cấp lên đại học vừa làm vừa học hơn 17.000 sinh viên. Trong khi đó liên thông từ cao đẳng lên đại học chính quy có quy mô chỉ hơn 15.000 sinh viên.

Quy mô đào tạo liên thông - Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Quy mô đào tạo liên thông - Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đào tạo liên thông thời gian qua gặp nhiều khó khăn do quy định của quyết định 18/2017 của Chính phủ. Đáng chú ý là quy định chỉ tiêu dành cho liên thông không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy. 

Quyết định 18 cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải ban hành quy định về công nhận và miễn trừ các tín chỉ đã tích lũy của người học. Tuy nhiên quy định này lại chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhiều trường chưa biết cách triển khai hoặc lúng túng khi thực hiện.

Một trong những khó khăn đáng chú ý là liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học. 

Thiếu chuẩn đầu ra ở mỗi trình độ trong một ngành nghề và các điều kiện đảm bảo chất lượng, mục tiêu đào tạo chưa xác định rõ ràng nên việc công nhận miễn trừ chỉ chú ý nhiều đến nội dung và thời gian đào tạo, đánh giá thực hành thực tập của sinh viên chưa được chú trọng...

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các nước liên thông đại học thế nào?

Việc liên thông đại học từ các trình độ đào tạo thấp hơn được nhiều nước thực hiện. Cũng có một số nước như Đức, Philippines rạch ròi các trình độ, không đào tạo liên thông đại học. Trong khi đó một số nước như Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đang mở rộng đào tạo liên thông.

Tại Úc, chương trình đào tạo nghề được xây dựng theo dạng thức tập hợp các chứng chỉ theo khung chứng chỉ AQF. 

Chính phủ Úc cho phép các trường đại học tự chủ công nhận chứng chỉ đã tích lũy thông qua ký kết thỏa thuận hoặc xem xét trường hợp cụ thể. Trong đó ký kết thỏa thuận công nhận tín chỉ là hiệu quả nhất.

Trong khi đó Chính phủ Ấn Độ xây dựng ngân hàng tín chỉ học thuật. Người học có thể cập nhật các tín chỉ đã tích lũy vào ngân hàng. Ngân hàng lưu trữ toàn bộ quá trình học tập của sinh viên và cung cấp dịch vụ chuyển đổi, quy đổi tín chỉ. 

Ngân hàng này thống nhất với khung tín chỉ quốc gia. Sinh viên có thể vừa đi làm vừa đi học, đến khi tích lũy đủ tín chỉ sẽ được cấp bằng cao đẳng hoặc đại học.

Tại Thái Lan, chỉ một số ngành đào tạo bậc giáo dục nghề nghiệp được liên thông đại học như thương mại, quản trị kinh doanh, nông lâm ngư, du lịch khách sạn, dệt may, công nghệ thông tin và khoa học máy tính. Sinh viên phải thi liên thông. Trường đại học có hội đồng xét công nhận tín chỉ.

Trước đây, các trường đại học Hàn Quốc không muốn nhận sinh viên liên thông từ trường nghề, không muốn công nhận tín chỉ từ trường khác. Từ năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc lập hệ thống trường nghề Meister đào tạo một số ngành như ngân hàng, dịch vụ công, nha khoa, công nghiệp biển và công nghệ bán dẫn. 

Sinh viên tốt nghiệp trường Meister chỉ được phép dự tuyển vào các trường đại học sau khi làm việc toàn thời gian trong ba năm liên tiếp.

Kiến nghị chuyển trường cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo

Liên quan đến đào tạo giáo dục nghề nghiệp hiện nay, TS Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, chủ tịch hội đồng Viện Phát triển giáo dục đại học Sài Gòn - có nhiều kiến nghị về thay đổi hệ thống.

Ông Cảnh đề nghị tổ chức lại hệ thống giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và cao đẳng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thành một. Bậc cao đẳng có thể liên thông trực tiếp lên đại học mà không bị cản trở, gián đoạn, mất thời gian và không hiệu quả.

Ông Cảnh cũng đề xuất kiểm định hệ cao đẳng, chất lượng đào tạo và tiêu chí được công nhận tương đương với các môn của hai năm đầu đại học 4 năm. Ông cũng kiến nghị cho phép trường đại học địa phương đào tạo cao đẳng, ngoại trừ Đại học Quốc gia hay đại học trọng điểm.

Nhiều thay đổi trong xét tuyển đại học từ 2025Nhiều thay đổi trong xét tuyển đại học từ 2025

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với bốn môn thi trong đó có hai môn bắt buộc là toán, văn và hai môn tự chọn, một số trường đại học dự kiến thay đổi cách thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên