GS Đào Trọng Thi - Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong khi nghị quyết 88 của Quốc hội từ năm 2014 đưa ra chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa thì khi thảo luận cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ trình Quốc hội tới đây, ý kiến các đại biểu Quốc hội lại chia ra làm đôi: một bên ủng hộ, một bên không đồng thuận.
Quyết định cuối cùng khi thực hiện chương trình phổ thông mới sẽ ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đào Trọng Thi - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ: "Thực tế nghị quyết 88 chỉ đề cập chủ trương cho quá trình làm sách giáo khoa, chương trình mới. Nhưng tới đây, nội dung đưa vào luật sẽ trở thành hiệu lực áp dụng đối với mọi thời gian luật có hiệu lực".
* Vì sao chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" lại vấp phải những ý kiến trái chiều khi góp ý cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, thưa ông?
- Thực ra nghị quyết 88 đưa ra việc thực hiện một chương trình và "có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học", vì khi đó Luật giáo dục hiện hành đang quy định một chương trình thống nhất và một bộ sách giáo khoa thống nhất.
Nghị quyết mở vấn đề thoáng hơn, không nhất thiết chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất, mà mỗi môn học có thể có một số sách giáo khoa. Khi diễn đạt gọn lại thì thành "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Nhưng từ đây lại có nhiều người diễn giải sai. Có người hiểu mỗi môn học bắt buộc có nhiều sách giáo khoa là không đúng.
Như vậy, để diễn đạt thật chuẩn tinh thần này, phù hợp với nghị quyết thì dự thảo Luật giáo dục sửa đổi có thể viết rõ "mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa", nghĩa là mỗi môn có một sách giáo khoa hoặc có nhiều sách giáo khoa đều được.
Tất nhiên không tránh khỏi những ý cực đoan. Có người cực đoan theo hướng chỉ có một bộ sách giáo khoa đúng như quy định hiện hành. Thực tế đây là hướng không phù hợp vì quá gò bó, không huy động được sự đóng góp của nhiều nhà giáo, nhiều nhà khoa học vào việc biên soạn sách. Nhưng cũng có hướng cực đoan khác là đòi phải có rất nhiều sách giáo khoa...
Tôi ủng hộ mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa. Thậm chí tôi còn mong muốn thực tế mỗi môn sẽ có nhiều hơn một sách giáo khoa. Nếu không, mọi chuyện sẽ vẫn như cũ.
GS Đào Trọng Thi
* Nhiều chuyên gia lo lắng cho số phận của chủ trương đổi mới này khi các đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến rất khác nhau. Trong đó có những ý kiến dường như chưa hiểu bản chất của tinh thần "một chương trình, nhiều sách giáo khoa"?
- Trong Quốc hội, các đại biểu đều có thể có những ý kiến riêng. Có người hiểu, cũng có người không hiểu lắm. Bởi vì họ hoạt động trong lĩnh vực rộng, khác nhau, không thể bắt tất cả đều hiểu cặn kẽ. Bây giờ mới chỉ là dự thảo nên cần thảo luận kỹ. Có thể bây giờ họ chưa ủng hộ chủ trương này nhưng sau khi trao đổi, họ có thể thay đổi ý kiến.
Các đại biểu sẽ có quyền bỏ phiếu và kết quả phải tuân theo đa số. Mỗi chủ trương nếu có sự đồng thuận cao thì rất tốt, nhưng nếu không có đồng thuận cao thì ít nhất phải quá bán mới là kết luận của Quốc hội.
Nếu giả sử chưa đạt được mức ủng hộ của Quốc hội thì cũng phải chấp nhận, kể cả ý kiến đa số ấy không phải là tân tiến nhất. Nhiều chính sách như vậy, không phải chính sách cứ nghĩ đúng là được ủng hộ ngay.
* Thưa ông, có đại biểu Quốc hội băn khoăn nếu nhiều sách giáo khoa thì khi thi cử sẽ làm khó học sinh. Ông nghĩ gì về việc này?
- Thực ra trước đây chúng ta đã hiểu sai: sách giáo khoa là thống nhất, đó là pháp lệnh. Nhưng thực ra không phải như vậy. Chương trình mới là cao nhất, nhiều sách giáo khoa nhưng tất cả đều thể hiện chương trình đã được quy định.
Một chương trình sẽ đặt ra yêu cầu học sinh sau khi học chương trình đó phải đạt chuẩn đầu ra. Sách giáo khoa chỉ là công cụ. Anh có thể dùng sách giáo khoa này, có thể dùng sách khác, nhưng cuối cùng tất cả các sách giáo khoa ấy phải đạt yêu cầu, giúp giáo viên dạy để học sinh đạt chuẩn đầu ra. Khi đó, thi là để kiểm tra xem học sinh có đạt chuẩn đầu ra không.
Ngoài ra, có một điểm khác biệt trong giáo dục trước và nay. Trước đây, dạy - học là truyền thụ kiến thức, kiểm tra học sinh có nhớ kiến thức hay không. Thành ra đôi khi còn có hướng dẫn ban hành kiểu "không được ra đề thi ngoài nội dung sách giáo khoa", mà đáng ra phải là "không được ra đề thi ngoài chương trình".
Còn bây giờ giáo dục tiếp cận theo hướng phát triển năng lực. Nội dung học dù thế nào cũng phải đạt được kết quả cuối cùng là hình thành năng lực giải quyết một số vấn đề...
Đúng là nếu đi theo hướng truyền thụ kiến thức như trước đây thì nhiều sách giáo khoa sẽ khó, không phù hợp. Nhưng đi theo hướng phát triển năng lực như hiện nay thì việc thực hiện nhiều sách giáo khoa rất phù hợp.
Riêng về sách giáo khoa sẽ có hội đồng thẩm định quyển sách ấy có phù hợp với chương trình hay không. Bộ trưởng ký cho phép sách đó được giảng dạy trong nhà trường thì mới được ban hành hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận