Chị B.T.B.T. được kiểm tra lại sức khỏe trước khi xuất viện sáng 30-8 - Ảnh: L.TH.H. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quý Khoa - trưởng khoa nội soi Bệnh viện Từ Dũ, trung bình mỗi ngày khoa nội soi tiếp nhận theo dõi, điều trị 15-20 ca bị thai ngoài tử cung (TNTC). Bác sĩ CK2 Bùi Văn Hoàng - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ - cho biết thêm năm 2015 bệnh viện tiếp nhận điều trị 4.690 ca TNTC.
Ca bệnh hiếm
Trường hợp TNTC điển hình và hiếm gặp nhất vừa nhập viện ngày 16-8 tại Bệnh viện Từ Dũ là chị B.T.B.T. (18 tuổi, Kiên Giang). Trước đó chị T. bị trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo và đi khám ở một cơ sở y tế thì được chẩn đoán bị rối loạn kinh nguyệt.
Sau đó chị đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và được chẩn đoán TNTC, cho nhập viện mổ lấy thai ngày 11-8. Tuy nhiên, do mổ ra nhưng không thấy TNTC nằm ở đâu nên bệnh viện cho chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ với chẩn đoán “xuất huyết nội do TNTC vỡ”.
Tại Từ Dũ, chị T. được theo dõi liên tục trong 10 ngày, cho làm xét nghiệm máu nhiều lần (mỗi 48 giờ), siêu âm, chụp CT-scan, chụp MRI, hội chẩn toàn bệnh viện và xác định khối TNTC này có khuynh hướng to dần lên (kích thước 50x28x38 mm) và “thường trú” tại phía sau phúc mạc, trước các mạch máu lớn của cột sống và nằm sau cuống gan.
Ngày 26-8, Bệnh viện Từ Dũ phối hợp với hai bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát và mạch máu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành phẫu thuật bóc tách TNTC cho chị T. thành công và chị T. đã được xuất viện ngày 30-8.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cho biết đây là trường hợp TNTC nằm ở vị trí rất hiếm gặp, bất thường, khó chẩn đoán và khó bóc tách lấy thai ra do thai phát triển và thâm nhập vào vị trí gần mạch máu.
Nếu gai nhau ăn vào và làm thủng động mạch chủ hay tĩnh mạch chủ thì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Nếu gai nhau đâm vào cuống gan - nơi có mạch máu nhiều, có ống mật, tụy thì có thể làm tổn hại hàng loạt các cơ quan này.
Trường hợp TNTC tương đối hiếm gặp khác là chị Đ.T.T.T. (30 tuổi, Bến Tre) nhập viện tối 29-8 vì có TNTC nằm trong dây chằng rộng bên phải. Cách đây khoảng một năm chị T. đã từng có TNTC nằm ở vị trí vòi trứng và phải mổ. Lần này trễ kinh 17 ngày, chị đi khám bác sĩ tư và được phát hiện TNTC nên chị đến Bệnh viện Từ Dũ.
Theo bác sĩ Hoàng, khi siêu âm bác sĩ thấy một TNTC sống 6-7 tuần (có tim thai). Do nguy cơ TNTC vỡ bất cứ lúc nào nên bệnh nhân đã được mổ nội soi lấy thai ra ngay trong đêm. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân hiện ổn định.
Theo bác sĩ Nhi, ngoài hai ca hiếm trên, khoảng 15 năm trở lại đây Bệnh viện Từ Dũ ghi nhận có ba trường hợp TNTC nằm ở vị trí hiếm gặp. Ca đầu tiên, thai nằm ở cuống của tĩnh mạch thận trái. Ca thứ hai, thai nằm ở gan. Ca thứ ba, thai nằm ở giữa tĩnh mạch và động mạch chậu ngoài.
97% thai nằm ở vòi trứng
Theo bác sĩ Nhi, thông thường thai nằm ở trong buồng tử cung của người phụ nữ. Tất cả các trường hợp nằm ngoài buồng tử cung được coi là TNTC.
Y văn ghi nhận 97% trường hợp TNTC nằm ở vòi trứng, 3% còn lại nằm ở các vị trí khác như cổ tử cung, tại sẹo mổ lấy thai, trong ổ bụng, trên buồng trứng và nằm ở tầng bụng trên như gan, thận, sau phúc mạc... Tỉ lệ TNTC ở phụ nữ mang thai là 0,45-1%.
Nguyên nhân gây TNTC, theo bác sĩ Nhi, có thể do viêm nhiễm đường sinh dục; do bệnh lý của người phụ nữ như hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh hoặc bệnh lý do can thiệp khác như viêm phúc mạc do viêm ruột thừa vỡ mủ trước đó gây gập, gấp vòi trứng; do những thay đổi về cấu trúc giải phẫu của vòi trứng cũng như sinh lý của vòi trứng bị hư.
Đặc biệt, tình trạng nạo phá thai không an toàn (gây viêm sinh dục và sau đó gây viêm vòi trứng, gây ứ dịch, ứ mủ vòi trứng, tử cung có những lỗ rò nhỏ do những lần nạo phá thai trước đây gây ra), mổ lấy thai gia tăng và sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (chuyển phôi, bơm tinh trùng vào buồng tử cung làm thủng tử cung về mặt vi thể) cũng góp phần làm gia tăng trường hợp TNTC.
Theo bác sĩ Khoa, khi bị TNTC, thai phụ có biểu hiện trễ kinh, đau bụng và ra huyết âm đạo. Khi khám, bác sĩ sẽ cho siêu âm, thử máu để xác định có phải TNTC hay không. Nếu là TNTC thì cho nhập viện để điều trị nội để chấm dứt thai kỳ hoặc mổ lấy thai ra ngay.
TNTC nếu bị vỡ mà không can thiệp kịp thời thì có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, khoảng 25% phụ nữ đã bị TNTC có thể tái phát TNTC ở vị trí khác.
Tuy nhiên theo bác sĩ Nhi, đối với TNTC không phải khi nào cũng đầy đủ ba triệu chứng trên. Không phải trường hợp nào cũng đau bụng, có khi đau bụng âm ỉ thoáng qua nên không để ý triệu chứng này. Hoặc các triệu chứng này xuất hiện rời rạc nhau chứ không cùng lúc... Vì vậy, chị em khi có trễ kinh một tuần nên đi làm siêu âm để loại trừ TNTC cho an tâm.
Biến chứng thai ngoài tử cung TNTC có thể gây ra biến chứng huyết tụ thành nang. Khối huyết tụ này đến một lúc nào đó to quá cũng sẽ bể gây ra xuất huyết nội, gây áp xe nếu có nhiễm trùng. Đáng lưu ý, trong một số trường hợp TNTC còn là tiền đề gây ra ung thư nguyên bào nuôi. Bác sĩ CK2 Bùi Văn Hoàng đặc biệt nhấn mạnh hậu quả của nạo phá thai gây ảnh hưởng đến tương lai sản khoa và tính mạng của người phụ nữ rất lớn. Tuy nhiên, năm 2015 vừa qua tại bệnh viện cũng đã có 28.692 trường hợp đến nạo phá thai. Để tránh nguy cơ viêm nhiễm, tránh nạo phá thai, chị em cần biết cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe sinh sản, thực hiện biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn. Khi bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục cần đi khám bệnh để được điều trị đúng phác đồ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận