16/04/2019 10:16 GMT+7

Nhiều người tử tế lắm, là bạn không chịu 'thấy' thôi

KHAI THỊ SÂM
KHAI THỊ SÂM

TTO - Hơn 10 năm sống ở Sài Gòn, tôi tự tin nói rằng phần lớn người Việt là những người cần cù, tốt bụng, giàu tình cảm. Còn hung dữ hay không, là do tính cách từng người, không thể kết luận hay lo ngại một tộc người là hung dữ qua vài câu chuyện.

Nhiều người tử tế lắm, là bạn không chịu thấy thôi - Ảnh 1.

Lễ hội Gò Tháp tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, du khách dễ dàng bắt gặp những tấm bảng "cơm từ thiện" với khoảng 15 quán phục vụ miễn phí cơm và nước uống cho khách thập phương - Ảnh: NGỌC TÀI

Tôi cũng từng bị chen ngang khi đang xếp hàng mua bánh ngọt siêu thị, thậm chí người này còn bực dọc với tôi. Nhưng điều đó thuộc về phép lịch sự người có người không, tôi chẳng lấy làm phiền lòng quá 5 phút. Vì cuộc đời này mà cứ đi phiền hết chuyện này đến chuyện kia, mệt nhọc vì kẹt xe, vì bóp kèn, chen lấn... thì còn gì là cuộc đời.

Nên bao dung và vị tha

Mỗi ngày tôi mất 2 tiếng từ chỗ làm về nhà và ngược lại. Tôi từng bị chửi khi không chịu nhích xe lên cho một người đàn ông chạy xe lên vỉa hè. Tôi cũng bị móc mất chiếc máy ảnh mini khi đang xếp hàng nộp sổ khám bệnh.

Tôi từng để quên điện thoại ở quán cà phê và không bao giờ thấy lại nó nữa. Hàng xóm từng gây hấn với tôi trong khi chính họ sửa nhà khiến đất đá nghẹt máng thoát nước nhà tôi. Tôi từng buồn phiền nhiều ngày khi biết câu chuyện gian trá từ những người quen đối với mình.

Nhưng tôi cũng từng được trả lại ví tiền để quên, được hướng dẫn cụ thể khi lạc đường, được ở nhờ nhà người dân trong những chuyến công tác. Tôi đã cảm động biết bao khi những người buôn bán ở Hà Nội không chặt chém tôi, khi chị chủ nhà trọ ở Thanh Hóa mang thêm cho tôi chiếc mền vì biết tôi trong miền Nam ra không chịu được lạnh, khi anh xe ôm ở Nghệ An đã nhiệt tình giúp tôi tìm kiếm địa chỉ mà tôi cần.

Nhiều người ở các tỉnh miền Trung cũng tốt với tôi như vậy, người miền Nam nữa chứ.

Tôi nghĩ ở đâu cũng có người tốt người xấu, xã hội nào cũng có vấn đề của nó. Hàng ngày tôi vẫn lạc quan khi đọc những tin tức tốt lành, người cưu mang người; và vẫn buồn bã lo ngại khi có nhiều tin tức đen tối một cách dồn dập: giết nhau, đánh nhau, cướp giật, tai nạn.

Tôi gọi đó là rủi ro của sự phát triển không đồng đều. Không riêng gì Việt Nam, nếu chịu khó đọc tin tức quốc tế, ta sẽ thấy nhan nhản những vụ giết người, hãm hiếp, khủng bố tàn độc....

Nhiều người tử tế lắm, là bạn không chịu thấy thôi - Ảnh 2.

Tại Bình Dương, cứ đến lễ hội rằm tháng giêng là người dân lại chuẩn bị đồ ăn, nước uống, khăn lạnh, xe ôm… miễn phí cho du khách đi chơi lễ - Ảnh: TTO

Bạn thử lên Google và tìm kiếm cụm từ "nhốt trong hầm tối rồi hãm hiếp", bạn có thấy xảy ra ở nhiều nước không, châu Á cũng không ngoại lệ. Bạn thử tìm kiếm "giết người phân xác", "cha giết con", "giết cả gia đình"... thử xem.

Người dân, suy từ căn tính cũng chỉ là những con người hiền lành, mong muốn có cuộc sống thoải mái về tinh thần và đầy đủ về vật chất. "Nhân chi sơ, tính bổn thiện", chúng ta đừng lấy một số hiện tượng được phản ánh dồn dập trên phương tiện truyền thông để quy về bản chất sự việc.

Ý nghĩ đó làm tôi nhìn nhận những sự bon chen, thậm chí lừa lọc dưới một chiều kích khác. Tập yêu lấy đời sống và mảnh đất cưu mang mình, bạn mới cảm nhận được điều tốt đẹp xung quanh.

Đừng phiến diện

Tôi đọc báo, lướt Facebook hay thấy những so sánh quá khập khiễng của nhiều người khi dẫn chứng những điều tiến bộ ở Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển... và đặt vấn đề tại sao Việt Nam không làm được điều đó.

Dĩ nhiên so sánh là một trong những tiền đề để tạo sự thay đổi và phát triển, nhưng chúng ta đem so một đất nước đang phát triển không đồng đều với những quốc gia giàu có văn minh nhất nhì thế giới và thất vọng. Có đáng không?

Đôi khi, một vài người bạn, đồng nghiệp từng học ở nước ngoài về cũng hay sa vào so sánh, thất vọng, thậm chí sốc nặng vì cho rằng con người ở Việt Nam quá tồi tệ. Tôi ước gì họ kể cho tôi nghe những điều tốt đẹp ở nước bạn, thay vì không tiếc lời chỉ trích cuộc sống và con người ở quê hương mình.

Nhiều người tử tế lắm, là bạn không chịu thấy thôi - Ảnh 3.

'Đồ từ thiện' là những bộ quần áo cũ của những người tương đối dư dả, không có nhu cầu sử dụng chia sẻ lại cho người nghèo. Người lập ra tủ đồ này là bảo vệ của một trường học ở Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: TTO

Tôi chỉ mong trước khi chúng ta sợ hãi hay lo lắng một vấn đề gì hệ trọng của một quốc gia thì nên cân nhắc. Chúng ta đã nhìn đa chiều, đã thử lý giải hay chưa. Và nhất là khi một trong số chúng ta là người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, mỗi nhận xét của chúng ta sẽ ảnh hưởng tới nhiều người.

Dường như ta dễ phán xét nhưng luôn thiếu một điều cơ bản: suy nghĩ thấu đáo. Sự thấu đáo sẽ dẫn dắt bạn đến sự bao dung, nhìn nhận vấn đề một cách nhẹ nhàng.

Nếu có một du khách than phiền với tôi họ bị giật đồ, tôi sẽ nói đó chỉ là một vài hình ảnh xấu xí mà thôi. Chúng tôi vẫn có những cơ quan trợ giúp du khách, có những bạn trẻ sẵn sàng làm hướng dẫn viên không công, cả những người dân bình thường tốt bụng dễ gần.

Đời còn nhiều người tử tế, có điều bạn không chịu "thấy" thôi.

Người Việt có hung dữ không? Người Việt có hung dữ không?

TTO - Khi tôi trả lời một cách đầy kiêu hãnh rằng mình là người Việt Nam, chị im lặng, cúi đầu, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi nói: "Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thật lòng với bạn rằng: người Việt của bạn là những người hung dữ".

KHAI THỊ SÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên