10/09/2011 02:40 GMT+7

Nhiều người trẻ phạm trọng tội vì thiếu sự giáo dục

TRẦN MINH SƠN
TRẦN MINH SƠN

TT - Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua kinh nhiệm xét xử tôi thấy những năm gần đây hiện tượng người phạm tội “trẻ hóa” một cách đáng lo ngại. Thậm chí có nhiều loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản mà người phạm tội lại là người chưa thành niên, chưa đủ 18 tuổi.

Trong bốn số báo qua, loạt bài “Tội phạm đang trẻ hóa” trên Nhịp sống trẻ đã chỉ ra thực trạng này.

Đây là vấn đề xã hội lớn. Có thể ở từng vị trí, mỗi người sẽ có cách nhìn nhận riêng. Vì vậy Nhịp sống trẻ mở diễn đàn để bạn đọc có thể góp ý, chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng xã hội này để cùng góp ý chế ngự tình trạng trên, làm xã hội tốt hơn, ổn định hơn và nhất là để giới trẻ được phát triển lành mạnh. Bài viết tham gia diễn đàn xin gửi về nhipsongtre@tuoitre.com.vn.

Xin giới thiệu bài viết đầu tiên từ góc nhìn của kiểm sát viên Trần Minh Sơn, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM.

Read this on Tuoitrenews.vn

Dk8FJhLQ.jpgPhóng to
Tại trại giam Thủ Đức có hàng chục phạm nhân gây án ở lứa tuổi vị thành niên - Ảnh: Thuận Thắng

Ở lứa tuổi còn non nớt, tâm sinh lý chưa phát triển hoàn thiện mà thiếu sự giáo dục, uốn nắn của gia đình, nhà trường thì những thanh thiếu niên rất dễ có hành vi cư xử trái pháp luật. Trong khi đó, công tác giáo dục của chúng ta hiện nay còn rất dở, nhất là việc giáo dục trẻ trong quá trình hình thành nhân cách, giáo dục về nhân nghĩa, lễ giáo đang bị bỏ lửng.

Nhiều cha mẹ mải lo làm ăn, kiếm tiền mà giao cả việc giáo dục con cái cho nhà trường. Với sự phát triển chưa hoàn thiện về tinh thần, trí tuệ, có vẻ như nhiều thanh thiếu niên đang cho mình cái quyền tự phán xét, tự hành xử bất tuân các quy tắc của đạo đức, pháp luật.

Tôi còn nhớ mãi vụ án giết cha mới đây của Phạm Minh Mẫn mà mình ngồi ghế công tố. Mẫn (lúc phạm tội chỉ mới hơn 18 tuổi) không phải là đứa con hư, ngỗ ngược, thế mà trong một lúc thiếu suy nghĩ, thiếu kiềm chế lại nhẫn tâm giết chết cha ruột của mình. Mặc dù người cha cũng có một phần lỗi vì thường xuyên say rượu, bạo hành vợ con nhưng hành vi phạm tội của Mẫn thật đau lòng khiến cả gia đình và xã hội bàng hoàng.

Bên cạnh sự buông lỏng của gia đình thì thái độ thờ ơ, vô cảm của con người trong giao tiếp, với các sự việc xảy ra xung quanh mình cũng thật đáng nói. Nhiều đoạn video clip quay cảnh học sinh đánh nhau được tung lên mạng, có học sinh bị lột quần áo, bị túm tóc đánh ngay giữa ban ngày, giữa nơi công cộng nhưng những người khác vẫn thờ ơ đứng nhìn bạn của mình bị đánh, như thế thật không thể chấp nhận được.

Sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ hiện nay cũng là một trong các nguyên nhân khiến người trẻ phạm tội nhiều hơn. Chúng ta dễ nhận thấy khoảng cách giữa những người giàu (tập trung tại các đô thị lớn) và những nông dân nghèo tại các vùng quê đang ngày một lớn hơn. Có nhiều thanh thiếu niên tại các vùng quê nghèo không được học hành đến nơi đến chốn đã tìm đến các đô thị để tìm kiếm việc làm, tìm kiếm cơ hội để đổi đời.

Cuộc mưu sinh kiếm sống khó khăn khiến nhiều thanh niên rơi vào hoàn cảnh túng bấn, quẫn bách không lối thoát. Trong khi đó, sự giàu có, xa hoa của một số ít người khiến những người trẻ choáng ngợp, muốn đổi đời bằng mọi giá, bất chấp pháp luật. Thế là phạm tội, là giết người cướp của.

Đưa người phạm tội ra phán xét, buộc họ nhận sự trừng phạt của pháp luật là cần nhưng chưa đủ. Vai trò giáo dục, uốn nắn, nuôi dưỡng nhân cách con người của gia đình, nhà trường và xã hội mới là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tình trạng phạm tội của người trẻ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Gia đình và nguồn gốc tội ácKỳ 2: Em tôi thành tội phạmKỳ 3: Ghét là ra tay, bất cần hậu quả!Kỳ 4: Họ coi thường mạng sống con người

TRẦN MINH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên