Kỳ 1: Gia đình và nguồn gốc tội ác
Phóng to |
Mê game online, cá độ bóng đá qua mạng... và sống buông thả là những con đường đưa giới trẻ tới tội phạm - Ảnh: T.T.D. |
Hồi em tôi còn đang học cấp II (sau năm 2002) gia đình sắm cho nó máy vi tính. Nó dùng chơi game nhiều hơn là để học. Thời gian sau có game online nên em tôi lại càng lao vào và chơi mê mẩn.
Được nuông chiều
Năm 2006, khi em tôi đi thi đại học, nó bán chiếc xe máy ba má vừa mới mua cho, về nhà ậm ừ nói bị mất. Lên đại học, ba má mua lại cho nó một chiếc xe tay ga. Không lâu sau em tôi lại bán chiếc xe này. Mọi người quen biết em tôi đều nói em tôi vào thành phố chơi bời nhiều hơn học. Ba má tôi không tin mà nghĩ người ta nói xấu con mình.
Tôi làm việc ở cùng thành phố với em tôi. Tôi biết những chuyện không hay nó đang làm và gặp nhau là tôi lại to tiếng trách móc, còn em tôi cười xuề xòa như không có chuyện gì. Ba má tôi cũng nghĩ tôi ghét em mình.
Khi hay tin em tôi nợ gần 100 triệu đồng cá độ bóng đá, giang hồ đòi chém thì ba tôi tức tốc gom tiền vào thành phố trả nợ cho con. Mỗi lần xảy ra sự cố, ba má tôi đều đứng ra giải quyết hậu quả và không cho ai biết chuyện gì đang xảy ra, kể cả tôi.
Mỗi lần tôi nói với ba má rằng hãy gửi tiền cho em tôi ít lại, để nó không thể đua đòi ăn chơi, để em biết giá trị của đồng tiền do lao động cực nhọc mà có thì ba má tôi chỉ ậm ừ, rồi đâu vẫn vào đấy. Lâu dần tôi không nói nữa.
Học đại học giữa chừng em tôi nghỉ ngang. Ba tôi liền mở một cửa hàng cho em kinh doanh tại thành phố. Em tôi trở thành ông chủ khi mới 21 tuổi. Em tôi luôn bảo với mọi người công việc kinh doanh rất ổn định. Tôi thì không tin vì đôi lúc ghé qua cửa hàng thấy gần trưa vẫn chưa mở cửa.
Tôi và ba đã to tiếng kịch liệt với nhau về chuyện này, tưởng chừng như không bao giờ có thể nói chuyện với nhau được nữa. Tôi chán nản và chỉ lo công việc của mình, để mọi chuyện đến đâu thì đến.
Phạm tội
Tháng 4-2010, gia đình chúng tôi bàng hoàng khi biết tin cơ quan công an phát lệnh truy nã đặc biệt em trai tôi về tội giết người, cướp tài sản. Vụ án chấn động cả nước. Ở quê tôi mọi người bàn tán xôn xao về chuyện động trời này. Một thanh niên tính tình ít nói, đang có công ăn việc làm không hiểu vì sao lại gây ra chuyện như vậy.
Ba tôi đổi số điện thoại vì có quá nhiều người gọi đến hỏi chuyện. Gương mặt ông lúc nào cũng bần thần và không muốn gặp ai. Má tôi đêm đêm cứ nằm khóc. Hai ông bà tuổi gần 60 hằng ngày vẫn bán buôn ngoài chợ. Khi thấy ai đó nhỏ to với nhau chuyện gì ba má tôi đều có cảm giác họ nói về chuyện con trai mình.
Em tôi gửi cho ba tôi một tin nhắn: “Con xin lỗi ba má. Ba má xem như con đã chết”. Từ đó, không ai có thể liên lạc được với em tôi nữa.
Báo chí viết về vụ án của em tôi với những từ được dùng là chủ tiệm trẻ tuổi, sát nhân máu lạnh, giết người, cướp của, cá độ bóng đá, mê game, giang hồ đòi chém, do nợ nần... Mới ngày nào tôi với nó đùa giỡn, đánh nhau chạy khắp sân nhà, cãi nhau ầm ĩ rồi nhanh chóng cười đùa lại với nhau. Vậy mà tôi không hiểu sao cuộc sống lại đưa tôi và nó rẽ sang những con đường khác biệt một cách chóng vánh như vậy.
Một thời gian dài trong đầu tôi lởn vởn chuyện em tôi đã giết người. Khi có ai đó hỏi thăm tình hình thì lòng tôi lại bị giày xéo. Tôi xấu hổ với mọi người xung quanh và luôn mặc cảm.
Sau bảy tháng lẩn trốn em tôi bị bắt khi nó tiếp tục phạm tội khác. Ba tôi cầm cố tài sản mang tiền vào TP.HCM gặp tôi với ánh mắt buồn rầu. Đi thuê luật sư, đến trại giam, thăm hỏi gia đình nạn nhân, đến đâu tôi và ba cũng đều mang nặng cảm giác tội lỗi trong lòng.
Con dại cái mang, giờ tôi mới thấm thía câu nói đó của người xưa. Một vụ án mạng nhưng gây nên vô vàn tổn thất cho nhiều người và không gì có thể bù đắp được. Chúng tôi giờ đây chỉ biết an ủi nhau mọi chuyện xảy ra đâu phải đều do mình mong muốn, có những thứ ngoài tầm kiểm soát của tất cả mọi người.
Ai cũng có thể phạm tội, nếu...
Nếu ba má tôi chỉ gửi tiền cho em tôi đủ xài, quản lý chặt chẽ mọi chuyện nó làm, nếu tôi nhẹ nhàng khéo léo và dành nhiều thời gian hơn để khuyên bảo em tôi, nếu không có trò chơi game, nếu không có cá độ bóng đá... và hàng trăm tình huống nếu khác.
Tôi tự đặt câu hỏi cho mình, trách móc và đổ lỗi cho mọi thứ, rồi cuối cùng tôi nhận ra điều đó giờ đây còn nghĩa lý gì khi chuyện đã xảy ra rồi. Tội lỗi không chọn ai mà chỉ có người ta chọn lấy nó, lỡ lầm sa ngã vào nó.
Mỗi lần đến trại giam gửi quà cho em, nỗi buồn lại ngập trong lòng tôi. Tôi thấy anh em, ông bố, bà mẹ, người yêu, bạn bè của những người đang bị giam giữ mỗi tháng hai lần lặn lội mang quà đến trại giam thăm họ. Mỗi người một nỗi niềm riêng, nhìn nhau bằng ánh mắt ái ngại. Tội lỗi mà ai đó đã gây ra, giờ bị cảnh giam cầm nhưng nỗi đau và cảm giác tội lỗi thì đâu chỉ riêng họ nhận lấy.
Tôi hi vọng em tôi và nhiều người khác đang bị giam biết được những gì mà người thân mình đang gánh lấy ngoài kia để hối lỗi và sống tốt đẹp hơn trong những ngày còn lại. Tôi mong mọi người hãy quan tâm đúng mực đến con em mình, để không phải sống day dứt như gia đình tôi bây giờ.
Tôi đã thôi không còn đổ lỗi cho những gì đã xảy ra nữa. Tôi giờ đây không tin mọi chuyện xảy ra theo cách nào đó rất riêng của nó nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi người. Tôi nhận ra mọi chuyện đã xảy ra theo hướng do tổng hợp nhiều yếu tố, tùy theo cách hành xử của mỗi chúng ta đã đẩy nó sang phần ác, hoặc giữ nó về phía thiện vốn có trong cuộc sống này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận