Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng thị trưởng Bern - ngài Alec von Granffenried - bức tranh phong cảnh hồ Gươm - Ảnh: VIỄN SỰ
Câu nói của thị trưởng Bern không hề xã giao bởi trong câu chuyện với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhiều sự tương đồng gắn kết giữa hai đất nước đã được chia sẻ rất thân tình
Thị trưởng Bern nói "rất nhiều người Thụy Sĩ là fan hâm mộ Việt Nam". Người Thụy Sĩ là dân tộc rất thích đi du lịch và dịch bệnh đã làm cho sở thích này bị ngưng lại.
Cũng như Bern - TP được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, nhiều TP, địa điểm ở Việt Nam cũng có vinh dự này.
Thị trưởng Bern Alec von Granffenried nhắc 11 năm trước, người tiền nhiệm của ông đã từng đến thăm Hà Nội, nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long, và chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ giúp làm tươi mới hơn mối quan hệ giữa Bern với các vùng đất ở Việt Nam.
Khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng ông một bức tranh về phong cảnh hồ Gươm, thị trưởng Bern nói ông sẽ sang thăm Việt Nam để xem chiếc đồng hồ ở vườn hoa cạnh hồ Gươm mà TP Bern đã tặng nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Thị trưởng Bern mời và đích thân dẫn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đi tham quan TP Bern, cùng chia sẻ về sự tương đồng, gắn kết giữa hai đất nước - Ảnh: VIỄN SỰ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đáp lời rằng trong chuyến thăm Thụy Sĩ lần này có lãnh đạo của nhiều địa phương của Việt Nam như Ninh Thuận, Bắc Giang, Đắk Nông, Quảng Trị… cùng nhiều doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp đều mang đến những đặc trưng riêng của vùng miền Việt Nam để giới thiệu, mở thêm cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Trong câu chuyện, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến bác sĩ Alexandre Yersin, một người gốc Thụy Sĩ đã có công lao và ân tình với người Việt Nam khi khám phá ra cao nguyên Lâm Viên để hình thành nên TP Đà Lạt - một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đang được giới thiệu về kiến trúc của TP Bern - di sản văn hóa thế giới mà theo thị trưởng Bern, đây là sự tương đồng với nhiều địa điểm ở Việt Nam cũng được nhận danh hiệu này - Ảnh: VIỄN SỰ
Chủ tịch nước nói, câu chuyện giữa ông và thị trưởng Bern nhắc đến hôm nay không chỉ là quá khứ, mà đó chính là tương lai vì hai đất nước có nhiều tương đồng, nhiều cơ hội hợp tác đang mở ra phía trước.
Điều đó để thấy rằng, mối tương quan và mong muốn gắn kết giữa người dân hai nước Việt Nam - Thụy Sĩ là một "tài nguyên" của hai nước.
Chủ tịch nước tiếp nhận sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bà Sandra Scagliotti trao tặng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cuốn sách "Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam" - Ảnh: VIỄN SỰ
Cuốn sách được tác giả Sandra Scagliotti - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Torino (Ý) trao tặng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sáng 27-11. Tác giả cuốn sách là người nghiên cứu về Việt Nam từ năm 20 tuổi, giảng dạy về văn hóa Việt Nam tại nhiều trường đại học ở Ý và viết nhiều cuốn sách về Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp tích cực của cá nhân bà lãnh sự danh dự và Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Torino đối với quan hệ Việt Nam - Ý trong những năm qua.
Chủ tịch nước chia sẻ với tấm lòng yêu mến Việt Nam, bà lãnh sự danh dự đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, xuất bản nhiều tác phẩm về Việt Nam. Nhờ đó, Văn phòng Lãnh sự và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Torino trở thành cầu nối để độc giả, bạn bè Ý và châu Âu hiểu biết thêm về các giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước và con người Việt Nam.
Bà Sandra Scagliotti bày tỏ vinh dự và xúc động được tiếp kiến Chủ tịch nước. Bà cho biết cuốn sách "Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam" vừa được xuất bản tại Ý, trong đó bà đã chuyển ngữ sang tiếng Ý các bức thư được sưu tầm và chọn lọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trong giai đoạn 1945 - 1969 có nội dung về hòa bình, hạnh phúc cho các dân tộc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận