Bệnh nhẹ thành nặng vì lạm dụng thuốc thông mũi
Bệnh nhân Nguyễn Xuân T. (12 tuổi, ở Giáp Bát, Hà Nội) nặng 67kg, mẹ cháu nói cháu bị ngạt mũi và đã phải sử dụng tới vài trăm lọ nhỏ mũi trong một thời gian dài và cảm thấy "nghiện", đến nỗi gần như lúc nào cũng phải đem theo bên mình, thỉnh thoảng lại lấy ra nhỏ mũi.
Khi nội soi, bác sĩ nhận thấy niêm mạc mũi đã bị quá phát, có chỉ định đốt để làm nhỏ cuốn mũi và nạo VA, sau một tuần T. mới thở lại được bình thường.
Tương tự T., nhiều người bệnh khi bị nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang... thấy khó chịu là tự ra nhà thuốc và được nhân viên bán cho thuốc nhỏ mũi (hoặc xịt mũi), thường được hiểu là thuốc chữa "ngạt mũi, chảy mũi".
Dùng thuốc nhỏ hay xịt, người bệnh thấy rất dễ chịu vì cảm nhận được tức thời sự thông mũi. Tuy nhiên, việc tự điều trị một thời gian dài thường dẫn đến những hậu quả khó lường.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên viện trưởng Viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết y học gọi tình trạng này là viêm mũi do dùng thuốc. Viêm mũi do thuốc là tình trạng viêm mũi do sử dụng thuốc nhỏ mũi trong một thời gian dài.
Thuốc nhỏ mũi (ngoại trừ nước muối sinh lý) chỉ dùng tạm thời để chữa triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, viêm mũi xoang. Các loại thuốc này có tác dụng co mạch có thể duy trì trong vài giờ, nên bệnh nhân thường thấy dễ chịu sau xịt.
Nhưng sau khi dùng thuốc này thời gian lâu hoặc nhiều lần, không những không giảm ngạt mũi mà còn ngạt nặng hơn trước khi dùng thuốc. Nguyên nhân vì thuốc giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi, làm hư hệ thống màng nhầy - lông chuyển, nên sự đáp ứng của mũi đối với thuốc ngày càng giảm, tạo nên bệnh "viêm mũi do thuốc", ngạt mũi kéo dài.
Như vậy, sau mỗi lần nhỏ thuốc, thời gian ngày càng ngắn lại, số lần nhỏ thuốc ngày càng tăng, gây nên vòng luẩn quẩn tai hại.
"Vì vậy không nên tự ý dùng thuốc khi chưa hiểu rõ tác dụng của thuốc. Đừng để bạn và người thân vô tình trở thành nạn nhân hay nô lệ của dược phẩm chỉ vì thiếu hiểu biết. Không nên sử dụng thuốc kéo dài. Số lần sử dụng đều không nên quá lạm dụng. Thường mỗi ngày nhỏ 3-4 lần, mỗi lần 1-3 giọt mỗi bên. Thời gian dùng thuốc mỗi đợt không nên quá một tuần" - bà Dinh nhấn mạnh.
Dinh dưỡng, luyện tập để tránh bị bệnh
PGS Dinh khuyến cáo, muốn ngăn ngừa tình trạng nghiện thuốc nhỏ mũi, nên tránh sử dụng chúng một cách bừa bãi hoặc hạn chế sử dụng chúng. Nếu bị ngạt mũi thì trong ngày đầu tiên cố gắng đừng đụng tới thuốc nhỏ mũi.
Thay vào đó, nên nghỉ ngơi và uống trà nóng. Một khi bạn sử dụng thuốc nhỏ mũi và xịt mũi là bạn có thể sẽ bị nghiện. Đây không phải là do cơ địa của bạn yếu mà chính là do "tác động ngược" của thuốc nhỏ mũi. Muốn sử dụng thuốc nhỏ mũi, bệnh nhân cần phải nhận được sự chỉ dẫn của bác sĩ.
"Dù không thể ngăn ngừa tất cả bệnh lý mũi xoang cũng như các đợt cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn, nhưng có thể áp dụng các biện pháp nhất định để giảm số lần, độ nặng cũng như ngăn ngừa viêm xoang cấp trở thành mạn tính: sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi thích hợp, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luyện tập để duy trì sức đề kháng chung chống nhiễm trùng.
Giữ sạch môi trường xung quanh, tránh xa khói thuốc lá, bụi và các chất ô nhiễm. Đeo khẩu trang khi ra đường và khi làm việc nơi có nhiều bụi bặm, hóa chất. Vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên. Tránh uống rượu vì có thể làm viêm xoang nặng hơn" - PGS Dinh hướng dẫn.
Thường xuyên vệ sinh mũi khi bị cảm cúm, tiếp xúc khí lạnh. Cần điều trị các tác nhân gây viêm mũi xoang như cúm, sởi, polyp mũi, nạo VA, vẹo vách ngăn mũi, trám - nhổ răng sâu.
Mặc dù bác sĩ thường kê kháng sinh điều trị viêm xoang nhưng nghiên cứu tại Mỹ cho thấy kháng sinh không mang lại hiệu quả điều trị như mong đợi.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho thấy thuốc kháng sinh không làm giảm triệu chứng của bệnh nhân hoặc làm cho bệnh tái phát nhanh hơn.
TS Garbutt và các đồng nghiệp đã sử dụng hướng dẫn chính thức của nhà nước để theo dõi bệnh nhân viêm xoang. Họ đã chọn ngẫu nhiên 166 người trưởng thành, chia thành 2 nhóm: uống giả dược hoặc amoxicillin trong 10 ngày. Kết quả cho thấy có rất ít sự khác biệt giữa 2 nhóm bệnh nhân.
Sau 7 ngày dùng thuốc, mới có chút ít sự tiến triển theo hướng tích cực từ nhóm dùng kháng sinh và rồi lại biến mất ở 3 ngày tiếp theo. Sau 10 ngày, 78% người dùng thuốc kháng sinh và 80% những người được điều trị bằng giả dược cho biết họ cảm thấy tốt hơn rất nhiều hoặc không còn có triệu chứng.
TS Anthony Chow, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada, cho biết chưa đến 2% các bệnh nhiễm trùng xoang là do vi khuẩn. Hầu hết các trường hợp là do vi rút và phần lớn không cần tới thuốc kháng sinh. TS Chow cho rằng: "Thuốc kháng sinh đã bị lạm dụng, do đó cần phải thận trọng hơn trong việc điều trị và cần phải sửa khuyến nghị".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận