09/02/2022 14:07 GMT+7

Nhiều lô hàng mắc kẹt tại cảng do chưa được Trung Quốc cấp mã số

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Dù đã thực hiện đăng ký đúng quy trình hướng dẫn nhưng nhiều lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu đang mắc kẹt tại cảng do Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa cấp mã.

Nhiều lô hàng mắc kẹt tại cảng do chưa được Trung Quốc cấp mã số - Ảnh 1.

Thu hoạch cà phê ở Gia Lai - Ảnh: TIẾN THÀNH

Ngày 9-2, ông Ngô Xuân Nam - phó giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) - cho biết đơn vị vừa có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về việc phối hợp làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Theo ông Nam, trong thời gian qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam về việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc đáp ứng quy định lệnh 248, lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Đến ngày 8-2, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc.

Cụ thể, một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1-11-2021 theo hướng dẫn tại công hàm số 353 ngày 27-9-2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đã có đơn hàng, đã thông quan tại cảng xuất khẩu của Việt Nam, đã có tờ khai hải quan trước ngày 1-1-2022, hiện các lô hàng đang tại cảng của Việt Nam nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.

"Đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu các lô hàng nêu trên vì doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký đúng quy trình hướng dẫn" - Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị.

Ông Nam cũng cho hay hiện có 6 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1-11-2021 theo hướng dẫn tại công hàm số 353 nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra hồ sơ của 7 mã sản phẩm không thuộc thẩm quyền quản lý của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đề nghị cấp lại mật khẩu cho doanh nghiệp và mật khẩu cho cơ quan thẩm quyền của Việt Nam là Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

"Để đảm bảo không làm gián đoạn thương mại nông sản giữa hai nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy việc cấp mã sản phẩm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam đã đăng ký qua cơ quan thẩm quyền trước và sau ngày 1-11-2021 và có giải pháp xử lý các vướng mắc.

Cuối tháng 1-2022, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hạt điều về việc doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1-11-2021, đã có đơn hàng, đã làm các thủ tục mở tờ khai hải quan, đã đăng ký xuất tàu… nhưng đến nay vẫn chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt danh sách doanh nghiệp và cấp mã sản phẩm. 

Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Dự trữ cà phê toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ Dự trữ cà phê toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ

TTO - Kỷ nguyên của cà phê đắt tiền sẽ không sớm kết thúc khi lượng cà phê dự trữ trên thế giới ngày càng cạn kiệt.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên