13/08/2020 09:48 GMT+7

Nhiều hình thức dạy học trực tuyến sẽ được áp dụng trong năm học mới

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư ban hành quy định về dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đây được xem là bước đi kịp thời nhằm 'hợp thức hóa' dạy học trực tuyến trước thềm năm học mới.

Nhiều hình thức dạy học trực tuyến sẽ được áp dụng trong năm học mới - Ảnh 1.

Học sinh một trường THCS ở TP.HCM xem tài liệu trực tuyến phục vụ cho việc học trực tiếp - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, mục đích dạy học trực tuyến được xác định là nhằm bổ trợ cho dạy học trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả dạy và học, khuyến khích sáng tạo, phát triển kỹ năng số...

Sẽ có 3 hình thức dạy học trực tuyến: dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến thay thế một phần dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp.

Kịp thời, có thể áp dụng cho năm học mới

Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - chia sẻ dự thảo đưa ra kịp thời và có thể áp dụng cho năm học mới, mở đường cho việc áp dụng dạy học trực tuyến nhiều hơn trong trường phổ thông, nhất là khi không ai biết trước dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào thời gian tới.

Ngoài ra, khi chủ động sắp xếp nội dung chương trình cho trực tuyến, ngoài việc vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức còn tiết kiệm quỹ thời gian để dành cho nhiều hoạt động khác như giáo dục kỹ năng sống.

Tuy nhiên, theo ông Phú, một số nơi chỉ xem dạy trực tuyến là giao các bài đọc thêm, bài phụ để giảm gánh nặng trên lớp. Ông cho rằng tùy trường sẽ quy định dạy bao nhiêu, bài nào theo hình thức trực tuyến là hợp lý.

'Những bài học hay cũng nên được dạy trực tuyến bởi có nhiều không gian và công cụ để sáng tạo. Cần trân quý các giờ học trực tuyến, đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức thì mới hấp dẫn và mới mẻ với học sinh' - ông Phú nói.

Đầu tháng 6-2020, trong hội nghị trực tuyến đánh giá chất lượng dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định dạy học trực tuyến là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học, qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, nhiều kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ hơn.

Trong dự thảo, Bộ GD-ĐT khẳng định nguyên tắc đầu tiên trong dạy học trực tuyến là phải đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kỹ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Đặc biệt, hình thức dạy học này không được tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh.

Nhiều hình thức dạy học trực tuyến sẽ được áp dụng trong năm học mới - Ảnh 2.

Bắt đầu từ giáo viên

Thầy Nguyễn Quang Vũ - giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết khi đã công nhận hình thức dạy trực tuyến, việc đầu tiên cần làm là tập huấn cho thầy cô kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Thực tế, khả năng ứng dụng công nghệ của giáo viên chưa đồng bộ sẽ khó tạo hiệu quả dạy học giống nhau cho tất cả học sinh.

Ứng dụng dạy trực tuyến cũng cần thống nhất. Ông Vũ cho biết trong thời gian dạy trực tuyến đầu năm, có thầy cô dùng phần mềm Zoom, có người dùng Messenger, có người livestream trên Facebook.

'Trăm hoa đua nở như thế có lẽ không hiệu quả bằng một không gian dạy trực tuyến chung và đảm bảo chất lượng cho các thầy cô' - ông Vũ nói.

Tương tự, ông Phú cho rằng cần 'thúc ép' hơn nữa giáo viên nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học của mình, bởi nếu yếu ngoại ngữ và tin học thì không thể dạy trực tuyến tốt. Ông cho rằng có thể cân nhắc quy định chế tài, chẳng hạn như không nâng lương cho các thầy cô còn ngại thay đổi.

Cho học sinh mang điện thoại thông minh vào trường?

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, các trường có thể cho phép học sinh mang điện thoại thông minh vào trường để phục vụ cho việc học. Bởi vì khi đã bàn đến chuyện học trực tuyến thì ngay trên lớp cũng có rất nhiều vấn đề học sinh có thể truy cập Internet để tìm hiểu hoặc tương tác với nhau và với giáo viên qua nhiều chương trình, phần mềm giảng dạy.

'Quan trọng là có thể kiểm soát được đường truyền. Không nên sợ học sinh đem điện thoại thông minh vào chỉ chơi hoặc xem phim. Lợi ích cho học tập mà nó mang lại trong thời đại 4.0 rất lớn' - ông Phú nói.

Cần hướng dẫn kỹ về kiểm tra, đánh giá

Thầy Nguyễn Quang Vũ nhận định việc kiểm tra, đánh giá thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, bài toán lý thuyết... dường như chỉ phù hợp với cách học truyền thống. Học trực tuyến cần những đề bài "mở" hơn, tạo cơ hội cho học sinh làm việc nhóm và chủ động tìm kiếm, khai thác các dữ liệu và công cụ học tập trên Internet.

'Theo tôi, bên cạnh quy định dạy học trực tuyến, cần có hướng dẫn về các cách kiểm tra, đánh giá. Nếu không, mỗi thầy cô làm mỗi kiểu thì không công bằng với học sinh giữa các trường với nhau, thậm chí giữa các lớp trong một trường' - thầy Vũ nói.

Trường đại học hủy lễ tốt nghiệp, thực tập, chuyển sang dạy trực tuyến Trường đại học hủy lễ tốt nghiệp, thực tập, chuyển sang dạy trực tuyến

TTO - Nhiều trường đại học thông báo hủy các hoạt động như lễ tốt nghiệp, thực tập, sinh hoạt công dân đầu khóa… Một số trường chuyển sang dạy trực tuyến.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: học trực tuyến