Đình chỉ trục vớt hiện vật trên tàu cổ
Liên quan tới vụ trục vớt trái phép xác con tàu (Tuổi Trẻ ngày 28-5), một số bạn đọc phản hồi rằng vì sao chính quyền địa phương biết đã lâu mà không báo với cơ quan chức năng, đồng thời liệu có hợp lý hay không khi Ban chỉ huy quân sự huyện có văn bản cho phép khai thác?
Ông Trần Văn Đê - chủ tịch UBND xã Vinh Xuân - cho biết ngay sau khi ông Nguyễn Công Tình (chủ một cơ sở khai thác phế liệu) xin phép khai thác xác con tàu đắm, ngày 25-5-2010, ông đã có tờ trình gửi UBND huyện và Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Vang có giải pháp trục vớt để đảm bảo cho ngư dân đánh bắt tôm cá gần bờ nhưng chưa thấy huyện hồi âm.
Văn bản này nêu rõ: “Hiện nay ở biển thuộc thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân có một vỏ tàu bằng sắt bị đắm đã lâu. Các ngư dân lớn tuổi ở địa phương cho biết vỏ tàu đó được phát hiện cách đây khoảng 60-70 năm và trước đây ngư dân ở nơi khác đến trộm nhiều lần. Hiện nay còn lại phần thân gỗ bên dưới đang nằm vùi dưới lớp cát biển cách bờ biển khoảng 100m và bị sóng xô đập nhô lên làm ảnh hưởng đến đánh bắt bãi ngang, làm hư hại ngư cụ của ngư dân và ngư dân đề nghị chính quyền xã cho trục vớt để đảm bảo đánh bắt cá tôm gần bờ được thuận lợi. Vậy UBND xã Vinh Xuân xin kính trình và xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Vang xem xét cho trục vớt vỏ tàu nói trên...”.
Theo lời ông Đê, lý do ông báo cáo thêm với ban chỉ huy quân sự huyện vì nghĩ rằng chiếc tàu nằm trên vành đai biên giới biển và có thể có liên quan đến quân sự...
Sau khi nhận được văn bản của xã Vinh Xuân, ông Phan Văn Quang, chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho biết đã có văn bản trình bày sự việc gửi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh để xin ý kiến. Ông nói: “Chưa thấy phía tỉnh trả lời thì Huyện đội và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh ký giấy (cho khai thác vỏ tàu) rồi, chứ bên tui (UBND huyện) không cho (khai thác). Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cho phép thì tui cũng ngao ngán và đã báo cáo với chủ tịch UBND tỉnh, và chủ tịch tỉnh cũng đề nghị giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý!”.
Ông Đặng Ngọc Nghĩa, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, thừa nhận có đồng ý chủ trương cho phép khai thác xác tàu nói trên. Ông Nghĩa cho rằng không hề biết đó là tàu cổ vì chiếc tàu này không có hồ sơ lưu. “Khi Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Vang trình lên, tôi cho đi khảo sát. Đây là phế liệu chiến tranh làm ảnh hưởng đến luồng lạch, cản trở tàu bè làm ăn của người dân địa phương cho nên đồng ý!” - ông nói.
Trả lời câu hỏi dựa trên cơ sở nào Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Vang cho phép khai thác xác con tàu cổ, ông Nguyễn Tuấn Anh, chỉ huy trưởng, cho biết sau khi nhận văn bản từ UBND xã Vinh Xuân và đơn xin khai thác vỏ tàu của ông Nguyễn Công Tình, ông xin ý kiến cấp trên và nhận được sự đồng ý, do đó đã cho phép khai thác. Ông nói: “Tôi có làm cái đó (ký giấy cho phép khai thác), nhưng đến khi thẩm định lại tôi thấy như vậy (là sai) thì thu hồi (giấy phép) rồi!”.
Ông Ngô Hòa cho biết: “Theo nhận định bước đầu, con tàu này niên đại khoảng đầu thế kỷ 20, trên đó có súng thần công và một số ít hiện vật đã thu được. Tôi đang giao cho Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với các ngành chức năng thẩm định kỹ hơn về xác con tàu và những hiện vật liên quan để có ý kiến chỉ đạo tiếp theo!”. Trước đó, khi cơ quan chức năng lập biên bản đình chỉ, nhóm khai thác trái phép đã giao nộp một số hiện vật, bao gồm một bộ xương chân voi, một quả “thủy lôi” bằng gang, một hũ gốm không men, hai đồng tiền thời Minh Mạng và một số mảnh sành sứ... Tuy nhiên người dân địa phương cho biết từ trước đó nhiều nhóm khai thác đã trục vớt được một số cổ vật gốm sứ, một bệ kê súng thần công bằng đồng thau, một phần động cơ chạy bằng hơi nước và nhiều thiết bị bằng sắt, gang, đồng khác... Tất cả đã bị tẩu tán đi nơi khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận