18/05/2014 09:29 GMT+7

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trở lại

BÁ SƠN - ĐÌNH DÂN
BÁ SƠN - ĐÌNH DÂN

TT - Bình Dương cần áp dụng mọi biện pháp để không tái diễn tình trạng phá hoại như những ngày qua, đảm bảo an ninh và hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại sản xuất, gầy dựng lại niềm tin đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

TP.HCM: sẽ giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệpCam kết bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư

Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thị sát tại Bình Dương chiều 17-5.

Bí thư, chủ tịch tỉnh nhận trách nhiệm

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, cả bí thư và chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đều nhận trách nhiệm khi để xảy ra những sự việc như vừa qua.

Ông Lê Thanh Cung - chủ tịch UBND tỉnh - nói: “Chúng tôi xin lỗi trước Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Chủ tịch nước khi trước sự việc diễn biến quá nhanh đã gây thiệt hại không nhỏ ảnh hưởng đến tình hình chung của cả nước. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương hứa sẽ dùng mọi biện pháp không cho tình trạng này tái diễn”.

Ông Mai Thế Trung - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cũng nói: “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm vì đã đánh giá không chính xác, xử lý không kịp thời để xảy ra tình trạng phức tạp như vừa qua”.

Tại Công ty Esquel Garment Manufacturing (một doanh nghiệp may mặc bị thiệt hại tại đường số 5, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1, thị xã Thuận An, Bình Dương), ông Kent Teh - tổng giám đốc các nhà máy tại Việt Nam và Malaysia của công ty - khẳng định: “Chúng tôi đang nhanh chóng khắc phục để có thể hoạt động trở lại, đảm bảo việc làm cho hơn 5.200 công nhân. Điều quan trọng là công ty chúng tôi vẫn trả đủ lương cơ bản cho công nhân trong những ngày phải ngừng việc này”.

Tại văn phòng Công ty VSIP (chủ đầu tư khu công nghiệp), đại diện công ty báo cáo Chủ tịch nước có 93 khách hàng bị thiệt hại, trong đó có một số khách hàng bị đốt cháy nhà xưởng. Tuy nhiên tới ngày 16-5, đã có trên 64% số doanh nghiệp hoạt động trở lại, và tới đầu tuần tới (ngày 19-5) thì có trên 80% doanh nghiệp đăng ký trở lại hoạt động.

Chủ tịch nước đã xuống tận các nhà xưởng hỏi thăm tình hình của công nhân. Khi được một số công nhân cho biết nhiều công nhân không dám đi làm, không dám mặc đồng phục đến công ty... do bị một số đối tượng đe dọa, chặn đánh, Chủ tịch nước đã hỏi ngay: “Các đối tượng này là ai? Rõ ràng là côn đồ rồi mà sao tỉnh để xảy ra như vậy?”. Ông Mai Thế Trung - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - có mặt khi đó đã khẳng định với Chủ tịch nước và các công nhân tỉnh sẽ xử lý nghiêm các đối tượng này để công nhân có thể yên tâm làm việc.

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Lê Thanh Cung - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết ngoài việc cử các đoàn đi thống kê thiệt hại, thăm hỏi và động viên doanh nghiệp thì tỉnh cũng đang triển khai rất nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Tuần sau, Bình Dương sẽ kết thúc việc thống kê thiệt hại và thực hiện ngay một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh như: miễn tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi vốn đầu tư...

UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ vay, không tính nợ quá hạn cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Đối với các doanh nghiệp bị cháy hoặc thiệt hại nặng sẽ tăng hạn mức tín dụng, tiếp tục cho vay để các doanh nghiệp này có thể tiếp tục thực hiện các đơn hàng.

Theo ước tính của UBND tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp bị cháy có thể phải mất 9-12 tháng để ổn định sản xuất. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi người lao động và tránh những diễn biến phức tạp có thể xảy ra do công nhân bị thất nghiệp, UBND tỉnh sẽ chăm lo quyền lợi của các công nhân bị ngưng việc này. Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết tiền bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân một cách nhanh chóng bằng cách rút ngắn thời gian làm thủ tục, việc chi trả bảo hiểm cũng sẽ chỉ dựa trên xác nhận của cơ quan bảo hiểm mà không cần quyết định cho nghỉ việc và quyết định của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh. Bình Dương sẽ làm việc cụ thể với các cơ quan trung ương để cho phép linh động thực hiện những biện pháp trong giai đoạn khẩn cấp này.

Hậu phương phải làm ấm lòng tiền phương

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh như vậy tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 4 (TP.HCM) sáng 17-5. Kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, các lực lượng chức năng của Việt Nam làm nhiệm vụ ở khu vực này đã làm việc hết sức kiên cường, hết sức gian khổ. “Hậu phương phải động viên cho phía trước (tiền phương) để anh em hăng hái làm việc, kể cả sẵn sàng hi sinh tính mạng” - Chủ tịch nước nói.

Q.T.

Khắp nơi hỗ trợ công nhân

* Liên quan đến đề nghị của các doanh nghiệp bị thiệt hại và phải ngưng sản xuất ở Bình Dương, Đồng Nai về việc cơ quan hải quan cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng các thủ tục thông thoáng hơn nhằm đẩy nhanh thời gian làm thủ tục xuất khẩu các đơn hàng bị trễ, ngày 17-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hương - cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - khẳng định sẽ hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp.

* Ngày 17-5, làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Dona Pacific (đóng tại Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), Công ty Dona Standard (huyện Xuân Lộc), Công ty Pouchen (TP Biên Hòa) cho biết vẫn tính lương cho công nhân trong thời gian nghỉ đi tuần hành mittinh.

* Tỉnh Tiền Giang đã đề ra các giải pháp cụ thể để bảo vệ tuyệt đối an toàn về người, tài sản của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp và các chuyên gia nước ngoài đang làm việc, cư trú trong tỉnh. Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Kim Mai tại buổi làm việc với ban giám đốc Khu công nghiệp Tân Hương và 15 doanh nghiệp nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc...) chiều 17-5.

NHÓM PV

BÁ SƠN - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên