Phóng to |
Công nhân Công ty Poong In Vina của Hàn Quốc (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương) đã trở lại làm việc ngày 16-5 - Ảnh Hữu Khoa |
Đồng thời cam kết bảo đảm an toàn để các doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường.
Nhiều doanh nghiệp và ban quản lý khu công nghiệp (KCN) đề nghị cơ quan hải quan làm thêm giờ để tạo điều kiện cho họ giải phóng hàng hóa chậm trễ với các đơn hàng.
Xin lỗi các doanh nghiệp
Ngày 16-5, một đoàn công tác của Bình Dương do ông Trần Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND tỉnh - dẫn đầu đã tới thăm và trao đổi với các nhà đầu tư tại KCN Việt - Hương, VN - Singapore (VSIP) 1. Ngoài ra, còn rất nhiều đoàn do các phó chủ tịch UBND tỉnh, ban quản lý các KCN, liên đoàn lao động... cũng đã tới thăm hỏi doanh nghiệp tại các KCN bị thiệt hại nặng như Sóng Thần 1, 2, Đất Cuốc...
Tại KCN Việt - Hương, ông Liêm thay mặt UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức đưa ra lời xin lỗi với các nhà đầu tư. “Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi vừa qua đã xảy ra tình trạng phá hoại làm thiệt hại cho các doanh nghiệp, không chỉ về vật chất mà còn về cả tinh thần. Thiệt hại của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thiệt hại của kinh tế địa phương. Thay mặt UBND tỉnh, chúng tôi chính thức xin lỗi các doanh nghiệp và cam kết sẽ đảm bảo an toàn, cùng các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sản xuất kinh doanh” - ông Liêm nói.
Nhiều nhà đầu tư đề nghị Bình Dương nên tăng cường công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh để doanh nghiệp an tâm hoạt động trở lại. Một doanh nghiệp may mặc cho biết đã sẵn sàng nhập lại nguyên vật liệu và công nhân cũng sẵn sàng trở lại làm việc, nhưng địa phương phải đảm bảo an ninh, an toàn cho doanh nghiệp.
Trước các băn khoăn của một số doanh nghiệp, ông Trần Thanh Liêm cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư, không để tình trạng gây rối tái diễn nên các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm. Ông Liêm cho biết sẽ chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường lực lượng cảnh sát tại khu vực KCN Việt - Hương, VSIP 1 và các KCN còn lại để các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cũng giao cho Ban quản lý các KCN cùng các doanh nghiệp kiểm kê, xác nhận thiệt hại cụ thể trong sự cố vừa qua để UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng có phương án hỗ trợ phù hợp.
Trong khi đó, cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã lập bảy đoàn công tác liên ngành đến các KCN để gặp gỡ doanh nghiệp xin lỗi và động viên doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Tại KCN Biên Hòa 2, ông Tăng Quốc Lập - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai - cùng đoàn đã đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tạm ngưng hoạt động trước đó để động viên thăm hỏi.
Tại Công ty TNHH kỹ thuật điện tử chính xác Wei-mo, bà Đoàn Thị Hường (phụ trách VN) cho hay sau khi nhóm quá khích vào công ty, các ông chủ Đài Loan lo sợ về nước, chưa dám qua. Hiện công ty đang ổn định để chuẩn bị làm việc trở lại.
Trao đổi với các doanh nghiệp, ông Tăng Quốc Lập giải thích việc đe dọa, phá doanh nghiệp vừa qua là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, nên không vì vậy mà các chuyên gia mất đi tình cảm với VN. Những người quá khích, đập phá tài sản của doanh nghiệp đã bị công an bắt giữ đa số là người không có việc làm, lang thang...
“Chúng tôi xin lỗi về sự việc vừa qua của những kẻ quá khích đã làm tổn thương doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã lên phương án bảo vệ các doanh nghiệp, các chuyên gia và tạo mọi điều kiện nhanh nhất, tốt nhất để doanh nghiệp an tâm ổn định sản xuất” - ông Lập nói.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, sau khi có 210 doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất, đến chiều 16-5 đã có 98 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Phóng to |
Ông Trần Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thăm hỏi các nhà đầu tư - Ảnh: Bá Sơn |
Hơn 90% công ty hoạt động trở lại
Ngày 16-5, dẫn chúng tôi xuống tận nhà xưởng tấp nập công nhân đang làm việc, bà Lợi Lợi - đại diện Công ty Freetrend (Hong Kong), Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1 và 2 - cho biết hơn 38.000 công nhân đã trở lại làm việc, sau hai ngày nhà máy tạm ngừng vì xảy ra sự cố công nhân tràn vào đập phá.
Bà Lợi cho biết công ty đã cho công nhân tăng ca ngay trong ngày đi làm lại để làm bù cho thời gian bị gián đoạn hoạt động. “Sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua do một số ít công nhân bị kẻ xấu lợi dụng kích động, phần lớn công nhân biểu thị lòng yêu nước đúng mực và họ luôn muốn ổn định để quay lại đi làm kiếm sống...” - bà Lợi nói.
Cạnh đó, khoảng 2.400 công nhân của Công ty TNHH Yujin Kreves Vina (100% vốn Hàn Quốc) cũng đã quay lại sản xuất bình thường. Công nhân Nguyễn Thị Hạnh cho biết hầu hết công nhân đều rất vui khi công ty hoạt động trở lại và “hi vọng mọi thứ sẽ không còn tái diễn”.
Theo chị Hạnh, việc một số người tham gia tuần hành để đập phá các nhà máy khiến các công nhân bức xúc và lo lắng cho công việc.
“Cũng đi tuần hành nhưng khi thấy người ta bê tài sản của các công ty về, tôi thấy xấu hổ vô cùng, nhưng đa số những người này đều không phải là công nhân mà là các đối tượng ở nơi khác đến” - một nam công nhân tại nhà máy này nói.
Ông Đỗ Thái Bình, giám đốc nhân sự Công ty Yujin Kreves Vina, cho biết khi sự cố xảy ra, công ty đã cố gắng cho công nhân bám trụ đến cùng để làm việc nên chỉ bị ngưng một ca đêm.
“Hôm nay chúng tôi đã giải quyết đơn hàng chậm bằng cách gửi hàng bằng đường hàng không thay vì tàu biển. Rất may tình hình đã được kiểm soát nhanh, công nhân sớm quay trở lại làm việc, nếu không nhiều công ty sẽ gặp khó khăn trong việc giao hàng theo hợp đồng” - ông Bình nói.
Ông Lê Hoàng Minh, phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung (VN), cho biết đến ngày 16-5, hơn 90% doanh nghiệp tại KCX Linh Trung 1 và Linh Trung 2 đã sản xuất trở lại, chỉ còn sáu doanh nghiệp, chủ yếu là Đài Loan và Hong Kong (trong số 71 doanh nghiệp tại hai khu này) chưa hoạt động trở lại.
“Hai ngày qua nhiều doanh nghiệp phải ngưng sản xuất nên hàng hóa bị ứ đọng buộc mấy ngày này họ phải tăng cường sản xuất. Tình hình đã tạm ổn định nhưng chúng tôi vẫn đang phối hợp với địa phương và các lực lượng chức năng đóng chốt 24/24 giờ để bảo vệ tối đa sự an toàn của các doanh nghiệp và tài sản của họ” - ông Minh nói.
Phóng to |
Công nhân KCX Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) đang làm việc - Ảnh: Đ.Dân |
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ về thủ tục
Ông Vũ Văn Hòa, trưởng Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM (Hepza), cho biết thông tin từ các đoàn khảo sát báo cáo về cho thấy tình hình tại các KCX - KCN trên địa bàn đã tương đối ổn định trở lại, phần lớn các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất bình thường, trong đó nhiều KCN đã có 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Riêng tại KCX Linh Trung 1 và Linh Trung 2, ngoài các doanh nghiệp đã sản xuất trở lại, sáu doanh nghiệp cuối cùng (Đài Loan và Hong Kong) cũng đã có kế hoạch hoạt động trở lại vào hôm nay 17-5.
“Chúng tôi kiến nghị UBND TP.HCM đề nghị cơ quan hải quan giải quyết nhanh các thủ tục để giải phóng hàng hóa mấy ngày qua của doanh nghiệp bị ùn ứ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất kịp đơn hàng cho khách” - ông Hòa nói. Cụ thể, cơ quan hải quan cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tăng ca đêm và cả ngày nghỉ để làm thủ tục thông quan nhanh nhất.
Đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại, ông Hòa đề nghị miễn giảm các phí duy tu, bảo dưỡng, phí hạ tầng cho doanh nghiệp. “Chỉ một số ít công ty bị thiệt hại nặng, nặng nhất là Công ty Freetrend nhưng công ty này không đề cập đến việc đền bù. Chúng tôi sẽ chủ động khảo sát tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời” - ông Hòa khẳng định.
Doanh nghiệp da giày, dệt may chờ khôi phục nguồn cung nguyên liệu Ngày 16-5, ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), cho biết phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong ngành có nhà máy đặt tại các KCN thuộc Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đều trở lại hoạt động bình thường. “Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã hoạt động trở lại, công nhân đã đi làm và sinh hoạt trở lại như trước đây” - ông Thuấn nói. Tương tự, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng cho biết nhà máy đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc chuyên chở, mua bán nguyên phụ liệu từ các doanh nghiệp có nhà máy đặt ở những KCX - KCN có sự cố mấy ngày trước đó vẫn chưa thể trở lại như bình thường. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), phụ trách văn phòng phía Nam, do bị ảnh hưởng bởi sự cố vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu, vật tư ngành may vẫn chưa thể cung cấp hàng trở lại cho các doanh nghiệp sản xuất may mặc. “Do ngành dệt may là ngành có sự liên kết chuỗi rất chặt chẽ nên khi một khâu nằm trong chuỗi bị ách tắc thì các bộ phận khác sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng” - ông Tuấn nói. |
Sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài Ngày 16-5, tại Công ty Allover World (chuyên mặt hàng dệt may, KCN Việt - Hương), toàn bộ các nhà xưởng của công ty đều có công nhân làm việc. Bà Zhang Xiao Hua - giám đốc điều hành công ty - cho biết các hoạt động đã trở lại bình thường. “Sau khi xảy ra sự cố vào ngày 13-5, công ty cho công nhân tạm nghỉ. Tuy nhiên, để đảm bảo hợp đồng đã ký với khách hàng, sau đó đại diện công ty đã quyết định vẫn ở lại VN và trả lương cho toàn bộ công nhân. Ngày 15-5, toàn bộ hơn 300 công nhân của công ty này đã trở lại làm việc” - bà Zhang Xiao Hua cho biết. Theo bà Zhang Xiao Hua, Công ty Allover World đã hoạt động tại VN hơn 20 năm qua, mỗi tuần xuất đi 7-8 container hàng (mỗi container khoảng hơn 8.000 bộ quần áo). “Tạm thời chúng tôi đang ngưng nhập nguyên liệu mới. Nhưng nếu chính quyền đảm bảo được an ninh trật tự như đã hứa thì chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại VN” - bà Zhang khẳng định. Tương tự, nhiều doanh nghiệp tại các KCN VSIP 1, 2 đã hoạt động trở lại. Theo thống kê của Công ty liên doanh VSIP, đến ngày 16-5 đã có thêm hơn 200 doanh nghiệp tại các KCN này quay trở lại hoạt động, chiếm trên 60% số lượng doanh nghiệp. Tại nhiều KCN khác, cũng rất nhiều nhà máy đã trở lại hoạt động. Ông Cơ Đăng Hưng - ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan tại Bình Dương, địa phương có khoảng 2.000 doanh nghiệp Đài Loan hoạt động - cho biết những doanh nghiệp bị thiệt hại trong sự cố vừa qua đang chờ đợi biện pháp hỗ trợ, cũng như cam kết đảm bảo an toàn từ chính quyền địa phương để sớm khôi phục hoạt động trở lại. |
Ngày 16-5, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về các giải pháp ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Đại Quang chỉ đạo các cơ quan chức năng Bình Dương cần nhanh chóng phân loại các đối tượng có hành vi quá khích bị tạm giữ, sớm kết luận điều tra, khởi tố, đưa ra xử lý các đối tượng cầm đầu nhằm răn đe và khẳng định Nhà nước VN không dung túng các đối tượng lợi dụng việc bảo vệ chủ quyền quốc gia để gây rối, phá hoại. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng yêu cầu Bình Dương có biện pháp duy trì trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường đầu tư, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho công nhân lao động. Ghi nhận thiệt hại của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-5, ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết đang chỉ đạo các chi cục thuế, đặc biệt các chi cục thuế tại những địa bàn có các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng trong đợt vừa qua, rà soát xem mức độ thiệt hại như thế nào để báo cáo Cục Thuế. Trên cơ sở đó, Cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cho UBND TP.HCM và cùng với các cơ quan chức năng kiến nghị cụ thể biện pháp hỗ trợ về thuế doanh nghiệp. “Theo quy định khi doanh nghiệp bị thiệt hại bất ngờ, bị thất thoát, mất mát tài sản như vừa qua thì cơ quan quản lý phải có biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp quay lại sản xuất. Tuy nhiên biện pháp thế nào thì phải dựa trên thống kê cụ thể của các chi cục thuế chứ chưa nói trước được lúc này” - ông Tấn cho biết. Sẽ đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp Sáng 16-5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã có buổi đi thăm và làm việc với một số doanh nghiệp nước ngoài thuộc KCN Bình Chiểu và KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức). Tại buổi làm việc, sau khi nghe những chia sẻ, bức xúc của các doanh nghiệp nước ngoài, ông Lê Mạnh Hà khẳng định thành phố sẽ bảo vệ doanh nghiệp và tài sản của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, đồng thời cam kết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong thời gian tới. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Công nhân đội mưa diễu hành biểu thị lòng yêu nướcCông nhân Bình Dương mittinh, quyên góp ủng hộ biển đảoKhởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng ở Đồng Nai, Bình DươngBắt hơn 600 người quá khích, đập phá tài sản doanh nghiệpUBND tỉnh Bình Dương kêu gọi người dân tránh bị lợi dụngĐa số đối tượng quá khích không phải công nhânChắt chiu cho sự yên bình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận