24/04/2025 05:37 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm 'ăn chặn' tiền bồi thường

Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới được xem là "mỏ vàng" của nhiều doanh nghiệp khối phi nhân thọ nhờ doanh thu lớn, bồi thường lại nhỏ giọt.

bảo hiểm - Ảnh 1.

Quy định bắt buộc mua bảo hiểm nhưng kiểu đền bù này chỉ có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thế nhưng khách hàng không những bị hành lên hành xuống với các thủ tục nhiêu khê, mà còn bị xà xẻo tiền bồi thường.

Tình trạng sách nhiễu trong quá trình bồi thường vẫn diễn ra công khai trên thị trường bảo hiểm, bất chấp nhiều quy định pháp luật được ban hành để giảm thủ tục và tăng quyền lợi cho khách hàng mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới (ô tô và xe máy), bảo hiểm vật chất xe ô tô.

Trì hoãn chi trả, "xà xẻo" tiền bồi thường

Đang đi xe máy trên đường, anh N.V.Dương (Thanh Hóa) bất cẩn tông vào một người khác, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Được công an hướng dẫn, anh liên hệ công ty bảo hiểm để đòi bồi thường cho nạn nhân vì anh đã có mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy.

"Tôi đã làm theo lời các anh công an nhưng vẫn bị phía bảo hiểm làm khó, hai năm liền họ nhất quyết không bồi thường với đủ lý do", anh Dương bức xúc cho biết. Trong khi đó, do gia cảnh quá khó khăn, anh và vợ phải chạy vạy khắp nơi để gửi gia đình nạn nhân lo hậu sự.

Theo quy định pháp luật, công ty bảo hiểm phải đền 150 triệu đồng/sinh mạng để anh Dương đưa cho người nhà nạn nhân, bù đắp một phần tổn thất. Nhưng trên thực tế, công ty từ chối bồi thường với lý do "nhân viên bán bảo hiểm đã không nộp phí về công ty nên công ty không chịu trách nhiệm"!

Anh Dương không chấp nhận lý do "trời ơi" này khi anh đang cầm trên tay giấy chứng nhận công ty cấp, thể hiện việc đã đóng tiền mua bảo hiểm, nên anh đã đi khiếu nại. Sau hơn hai năm ròng rã khiếu nại, nhờ có sự hỗ trợ từ người am hiểu bảo hiểm, cuối cùng khách hàng này cũng đã được doanh nghiệp thông báo chấp nhận bồi thường.

Qua ghi nhận, những tranh cãi giữa công ty bảo hiểm và khách hàng khi bị từ chối, trì hoãn hoặc cắt xén tiền bồi thường diễn ra khá thường xuyên trên thị trường.

Theo kết luận thanh tra vừa được công bố vào tháng 4-2025, Tổng công ty CP Bảo hiểm hàng không (VNI), doanh nghiệp dẫn đầu thị phần về mảng bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam, đã có nhiều sai phạm trong giai đoạn 2023, Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết.

Theo đó, về chi trả bồi thường, cơ quan thanh tra ghi nhận có trường hợp nạn nhân bị tử vong, nhưng thay vì bồi thường 150 triệu đồng theo đúng quy định pháp luật để chủ xe có tài chính bồi thường cho nạn nhân, hãng bảo hiểm VNI lại "cắt xén" đến... 80%, chỉ đền 30 triệu đồng!

Hay qua thanh tra chọn mẫu (ngẫu nhiên), phát hiện có 10 trường hợp bị yêu cầu nộp tài liệu của cơ quan công an liên quan đến những tổn thương của nạn nhân, trong khi quy định pháp luật đã lược bỏ thủ tục này.

Đây là hành vi gây khó dễ, bởi các nạn nhân liên quan không bị tử vong mà bị chấn thương sọ não, gãy xương đòn, gãy chân, bỏng, trật khớp háng, tổn thương mắt...

Sau cùng, doanh nghiệp bồi thường từ 3 - 24 triệu đồng/trường hợp. Không chỉ bị "xà xẻo" tiền bồi thường, nhiều trường hợp khách hàng còn bị VNI trì hoãn chi trả đến cả năm trời, trong khi theo quy định thì từ 15 - 30 ngày phải bồi thường.

Thu 100 đồng phí bảo hiểm, bồi thường... 4 đồng!

Không riêng gì Bảo hiểm VNI, theo Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm Liên hiệp (UIC) - với sự góp vốn của ba "ông lớn" trong và ngoài nước là Bảo hiểm Bảo Minh (Việt Nam), Bảo hiểm Sompo Japan (Nhật Bản) và Bảo hiểm KB (Hàn Quốc) - cũng có nhiều sai phạm trong năm 2023.

Theo đó, thanh tra phát hiện hãng bảo hiểm này đã tự ý "xén" bớt số tiền bồi thường thiệt hại không đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, sau khi bị tai nạn giao thông, có người đã yêu cầu bồi thường bảo hiểm, nhưng công ty chỉ trả khoảng 20 triệu đồng, tương ứng tự ý giảm 50%, với lý do khách hàng "va chạm với bên thứ ba, không có hồ sơ công an giao thông"!

Có hồ sơ khác, công ty đưa ra lý do khấu hao tài sản, công ty tự tiện giảm trừ 15% tiền bồi thường cho khách hàng. Trong nhiều trường hợp, công ty viện cớ "cắn" bớt tiền bồi thường, có ca không nêu bất kỳ lý do nào, khách âm thầm tự chịu thiệt. Đây cũng là lý do mà tỉ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS chiếm rất thấp trong doanh thu.

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), lũy kế 11 tháng của năm vừa qua mảng bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe mô tô, xe máy và các loại xe cơ giới tương tự đạt gần 740 tỉ đồng, song chỉ bồi thường khoảng 4% (28,5 tỉ đồng).

Như vậy, các doanh nghiệp này thu 100 đồng bảo hiểm TNDS nhưng chỉ chi khoảng... 4 đồng bồi thường thiệt hại cho khách hàng (chưa bao gồm các chi phí khác).

Tình trạng xà xẻo, tự tiện giảm trừ tiền bồi thường không chỉ diễn ra với khách hàng mua bảo hiểm bắt buộc, mà còn tồn tại với bảo hiểm vật chất xe ô tô (tự nguyện). Dữ liệu được cơ quan thanh tra công bố vào tháng 4-2025 cho thấy bên cạnh những sai phạm về bồi thường, mảng bảo hiểm xe cơ giới cũng mang về số tiền lớn cho các "đại gia".

Trong đó, Hãng VNI gặt hái gần 111 tỉ đồng doanh thu từ bán bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, song chỉ bồi thường vỏn vẹn 4,4 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ chưa tới 4%. Đối với bảo hiểm bắt buộc chủ xe ô tô, doanh nghiệp gom doanh thu gần 515 tỉ đồng, bồi thường xấp xỉ 104 tỉ đồng (20%). Số tiền bồi thường bảo hiểm nhỏ nhoi không đồng nghĩa với số trường hợp tai nạn giao thông ít xảy ra.

Phía Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết trong năm 2024 vừa qua, toàn quốc xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người.

Không có bất kỳ thống kê chính thức nào từ bên bảo hiểm thể hiện đầy đủ số khách hàng - nạn nhân đã bị làm khó dễ, bị cắt xén hoặc bị ngang nhiên từ chối bồi thường dù đã mua bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm vật chất xe (tự nguyện).

Sự thật đền bù ít thấy bảo hiểm nhân văn

Gần đây cử tri của nhiều địa phương thuộc Bình Phước, Đồng Nai, An Giang, TP.HCM gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính để phản ảnh việc người dân gặp nhiều khó khăn trong việc nhận quyền lợi bồi thường.

Có cử tri đề xuất chỉ nên mua bảo hiểm đối với xe hai bánh theo hướng tự nguyện, thay vì bắt buộc như hiện nay.

Trả lời cử tri vào đầu năm 2025, ngoài đưa dẫn chứng về việc nhiều nước trên thế giới áp dụng sản phẩm này theo hình thức bắt buộc phải mua, sự cần thiết đối với thị trường Việt Nam, các nội dung sửa đổi theo luật để giảm thủ tục và nâng quyền lợi bồi thường...Bộ Tài chính cũng cho biết trong gian tới sẽ "tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (nếu có)".

Đồng thời bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chi trả hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo việc bồi thường bảo hiểm diễn ra nhanh chóng, đúng quy định, tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm, góp phần tích cực trong việc thực hiện an sinh xã hội.

Được biết, theo kế hoạch đã được bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra 8 doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới bao gồm: Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Xuân Thành, Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm BIDV (BIC).

Bảo hiểm tự đóng vai trò "quan tòa"

 Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm 'ăn chặn' tiền bồi thường - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Tài chính - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới là sản phẩm cần thiết phải mua. Tuy nhiên, nếu quy định pháp luật không bắt buộc, có thể số lượng khách hàng tham gia sản phẩm này không nhiều.

Bảo hiểm này cốt lõi nằm ở chỗ bảo vệ cho bên thứ ba, đền bù thiệt hại về tài sản, thân thể và tính mạng. Họ là nạn nhân của chủ xe cơ giới gây tai nạn. Như vậy, cấp thiết phải xúc tiến bồi thường để người bị nạn hoặc thân nhân (người bị nạn đã tử vong) được nhận tiền nhanh nhất.

Nhiều người dân bức xúc không phải vì phải mua bảo hiểm mà bởi vì cách chi trả bồi thường quá tệ khi các công ty bảo hiểm đóng vai trò như một "quan toà", dù đó là điều không được phép.

Trong khi đó, lẽ ra khách hàng chỉ cần gửi yêu cầu thông báo, trách nhiệm của công ty bảo hiểm phải giả định rằng khách hàng xứng đáng được bồi thường.

Trừ khi tìm được chứng cứ khách hàng không xứng đáng, công ty mới từ chối chi trả. Dĩ nhiên, về nguyên tắc bồi thường, công ty bảo hiểm cũng đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Tài chính, hạn chế tình trạng trục lợi.

Để việc chi trả bồi thường bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới (ô tô, xe máy) và cả bảo hiểm vật chất xe ô tô một cách thuận lợi, theo ông Đán, cơ quan quản lý cần có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ trong quá trình giám định bồi thường.

Theo đó, khi sự cố xảy ra, việc đầu tiên là phải cấp cứu người bị nạn, hạn chế tối đa tổn thất về người và tài sản. Do đó, người dân có thể quay video hiện trường vụ tai nạn làm bằng chứng, không nhất thiết chờ phía thẩm định chạy xuống. Các công ty cũng không được tự ý giảm trừ tiền bồi thường, đưa ra chế tài với lý do vô lý.

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cũng có thể hợp tác với các nền tảng xe taxi, xe ôm công nghệ để thành lập đội ngũ cộng tác viên giám định hiện trường. Các cộng tác viên này sẽ thay giám định viên làm việc, vẫn đảm bảo tính trung thực và khách quan.

"Nguyên tắc bảo hiểm là lấy số đông bù số ít. Khi bồi thường thỏa đáng, mọi người tự giác tham gia nhiều hơn thì quỹ bảo hiểm càng lớn, càng dễ bồi thường hơn", ông Đán nói.

Cũng theo chuyên gia này, quỹ bảo hiểm xe cơ giới cũng cần phải hoạt động năng suất hơn nữa. Khi bên bệnh viện báo cáo có người bị tai nạn giao thông, thuộc trường hợp cần được hỗ trợ, quỹ phải lập tức vào cuộc và chi tiền theo các mức nhất định.

 Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm 'ăn chặn' tiền bồi thường - Ảnh 3.Thanh tra phát hiện công ty bảo hiểm 'xén' tiền bồi thường của khách bị tai nạn xe

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố kết luận thanh tra Bảo hiểm Liên hiệp, phát hiện tình trạng 'xén' bớt tiền bồi thường. Đây là doanh nghiệp có gần 28 năm hoạt động trên thị trường, có khối tài sản gần 3.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên