![]() |
Ảnh minh họa |
Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nghiêng về bán ròng. Cụ thể trong phiên này, khối ngoại bán hơn 2,3 triệu cổ phiếu, trị giá 76,4 tỉ đồng; ngược lại khối ngoại chỉ mua vào khoảng 1,84 triệu cổ phiếu, trị giá 63,4 tỉ đồng.
Trên sàn Hà Nội, thanh khoản được cải thiện hơn. Chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,52 điểm, chốt phiên còn 71,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch 228,8 tỉ đồng chuyển nhượng.
Theo ông Phan Dũng Khánh - trưởng phòng phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Kim Eng, thị trường chứng khoán tuần này nhiều khả năng vẫn chưa thể xán lạn và xu hướng đi xuống tiếp tục duy trì bất chấp việc các cơ quan quản lý đang và đã nỗ lực thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô, nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có thể có kết quả tích cực ngay được.
Theo phân tích của ông Khánh, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô thông qua hàng loạt quyết định, chủ trương, chính sách cho nền kinh tế. Thủ tướng cũng vừa yêu cầu kiềm chế giá lương thực đang tăng cao và yêu cầu các bộ ngành làm tốt hơn nữa các chính sách vĩ mô.
Tuy nhiên những quyết tâm trên cho thấy kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và cần phải nỗ lực hơn nữa để làm những “điểm sáng” trên bức tranh kinh tế bừng sáng hơn để không bị dập tắt trong giai đoạn quan trọng này. Một số thông tin cho thấy nền kinh tế vẫn tiếp tục “vật lộn” với nhiều khó khăn như:
- Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội không tán thành miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân như đề nghị của Chính phủ.
- Áp lực lãi suất đầu ra vẫn đè nặng lên người đi vay, bởi thế ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng không dễ dàng. Hiện tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng sáu tháng đầu năm chỉ mới đạt hơn 1/3 so với mục tiêu cả năm của Ngân hàng Nhà nước.
- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương sắp cạn vốn. Từ hàng chục ngàn tỉ đồng, đến thời điểm này Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương chỉ còn lại vài ngàn tỉ đồng.
- Ngành chứng khoán vẫn gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt tổ chức tham gia kinh doanh trên thị trường chứng khoán liên tục thua lỗ. Số liệu do Bộ Tài chính cho thấy có đến 27/47 công ty quản lý quỹ bị lỗ (năm 2010 con số này là 22/47). Tổng số công ty chứng khoán có lỗ lũy kế đến thời điểm hiện nay là 61/105 công ty.
- Nhà đầu tư không mặn mà đối với đợt phát hành lần đầu (IPO) của Ngân hàng MHB. Thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nhà đầu tư đặt mua chưa tới 30% khối lượng chào bán tham gia và không có sự góp mặt của bất cứ nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức nước ngoài nào.
Hiện tại, một bộ phận nhà đầu tư lo lắng việc giá vàng tăng cao mấy ngày gần đây sẽ khiến nhiều nhà đầu tư sẽ quay lại với vàng, giống như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thế giới đã làm.
Cũng theo ông Khánh, vàng và dầu thế giới nhiều khả năng tăng tiếp tục trong tuần này khi nợ công châu Âu đang lan rộng, trần nợ của Mỹ sắp đến hạn và FED đang do dự trong việc nới lỏng tiền tệ thêm một lần nữa.
Điều này sẽ làm nhu cầu đầu tư an toàn gia tăng khi đồng tiền định giá hàng hóa của Mỹ bị ảnh hưởng do FED đang cân nhắc về chính sách tiền tệ. Khủng hoảng cũng làm nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn để bảo vệ cho tài sản của Mỹ. Tuy nhiên nếu FED nghiêng về hướng thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát giống như ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) bất kể trần nợ và kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm sẽ làm tổn thương đến vàng, dầu và thị trường chứng khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận