Sáng 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó nổi lên 6 "cơn gió ngược": tăng trưởng suy giảm, lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; hậu quả của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề.
Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine chưa chấm dứt; nhiều nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến kinh tế của các nước; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Thách thức khi tăng trưởng thấp hơn kịch bản
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song trong 6 tháng chúng ta cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát của năm 2023. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đặt ra yêu cầu phải có giải pháp tháo gỡ.
Đó là tăng trưởng thấp hơn kịch bản; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc, giảm giờ làm; an ninh, trật tự tiềm ẩn rủi ro; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những bất lợi của tình hình kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới tăng trưởng, sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn.
Tăng trưởng quý 2 tích cực hơn, ước tăng 4,14% so với cùng kỳ 2022, nhưng tính chung 6 tháng tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra là 6,2%. Nguyên nhân là khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 1,13%, nên tác động mạnh đến tăng trưởng chung.
Tỉ lệ lao động thiếu việc làm quý 2 là 2,06%, tình trạng cắt giảm lao động tập trung tại một số địa phương nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất diễn ra như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương...
Nhiều chỉ số cải thiện tạo niềm tin tăng trưởng cuối năm
Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu có bước tăng trưởng, tuy còn thấp nhưng tháng sau cao hơn tháng trước. Trong đó, CPI bình quân 6 tháng tăng 3,39% so với cùng kỳ 2022, tiếp tục xu hướng giảm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng tăng, xuất siêu 12,25 tỉ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1,35 triệu tỉ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2022. Giải ngân vốn đầu tư công đã có cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch, tương đương hơn 65.000 tỉ đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, đặc biệt là ngành công nghiệp có cải thiện, giá trị tăng thêm quý 2 là 1,56%. Dịch vụ tiếp tục là động lực quan trọng, góp gần 80% tăng trưởng chung của nền kinh tế, giá trị tăng thêm 6 tháng là 6,33%.
Nhiều địa phương thuộc vùng động lực quan trọng đã có mức tăng GRDP quý 2 cao hơn, gồm có TP.HCM tăng 5,9%, Bình Dương tăng 5,7%, Đồng Nai tăng 4,8%, Bắc Giang tăng 13,8%; Vĩnh Phúc tăng 3,8%...
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6; gần 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ 2022.
Đánh giá chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dù còn nhiều thách thức, sức ép cho công tác điều hành tăng trưởng, song nhiều chỉ số quan trọng đang dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn. Thực tế này cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt để thực hiện nhiệm vụ các tháng cuối năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đưa ra hai kịch bản tăng trưởng ở mức 6-6,5% cho cả năm nay. Để đạt được, tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm phải đạt được từ 8-8,9%. Để đạt được, cần triển khai có hiệu quả các giải pháp, chính sách đã đề ra, củng cố niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân để phục hồi và phát triển kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận