29/12/2022 10:20 GMT+7

Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất 12 năm qua

B.NGỌC
B.NGỌC

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất 12 năm qua - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo - Ảnh: Đ.TUÂN

Ngày 29-12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2022.

Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP (tổng sản phẩm trong nước) các năm giai đoạn 2011-2022 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,56%; 8,02%.

Tính riêng năm 2022, GDP quý 1 tăng 5,05%, quý 2 tăng 7,83%; quý 3 tăng 13,71%; quý 4 tăng 5,92%.

Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất 12 năm qua - Ảnh 2.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trong năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

"Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, trong đó sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng do nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu", bà Hương cho biết thêm.

Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho hay các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04% điểm phần trăm.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Trong năm 2022, một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15%; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, so với cùng kỳ năm trước.

Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch COVID-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Lạm phát: Nỗi lo chưa nguôi Lạm phát: Nỗi lo chưa nguôi

TTCT - Lướt qua nhiều trang báo lớn và website của các tổ chức tài chính hay hãng thăm dò dư luận, dễ thấy một sự đồng thuận cho rằng lạm phát toàn cầu đã chạm đỉnh, nên sẽ bắt đầu đi xuống.

B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên