Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1-2023, ngày 29-3 tại Hà Nội.
GDP tăng trưởng thấp
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1 năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 1 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cùng đà suy giảm này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ trong quý 1-2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15-3 khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm quý 1 năm nay như sau: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý 1, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.
Mỗi tháng có 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý 1-2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy có 24,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, thấp hơn nhiều so với các quý năm 2022, nhưng cũng có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng trong quý 2 sẽ tốt lên.
Trong quý 1, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 11.437 tỉ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 4.740 tỉ đồng/phiên, giảm 38,3%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1 ước đạt 583.100 tỉ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ trong quý 1, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu hàng hóa quý 1 ước đạt 75,1 tỉ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý 1 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỉ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; giá vàng tháng 3 giảm 0,56% so với tháng trước; giá USD tăng 0,47% so với tháng trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận