Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết sẽ yêu cầu các nước viết tên riêng của người Nhật theo thứ tự họ trước, tên sau - Ảnh: Japan Times
Theo đó, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã lên tiếng sẽ yêu cầu các nước viết tên riêng của người Nhật theo thứ tự họ đứng trước và tên đứng sau, thay vì cách gọi tên trước họ sau như hiện nay khi phiên âm tên Nhật theo hệ chữ Latinh.
Trong tiếng Nhật, họ được viết trước.
"Tôi dự kiến sẽ yêu cầu các cơ quan truyền thông quốc tế làm theo. Các cơ quan truyền thông nội địa cung cấp dịch vụ bằng tiếng Anh cũng nên xem xét vấn đề này" - ông Kono khẳng định.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Masahiko Shibayama khẳng định cũng sẽ yêu cầu điều tương tự đối với các cơ quan chính phủ cấp địa phương khi viết tên theo hệ chữ Latinh.
Vấn đề này lần đầu được đề xuất vào năm 2000 khi Hội đồng Ngôn ngữ quốc gia trực thuộc các bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ mong muốn thay đổi cách viết tên Latinh của người Nhật để họ đứng trước nhưng không thành công.
"Tôi muốn tên của Thủ tướng Abe Shinzo được viết theo thứ tự Abe Shinzo tương tự như cách gọi 'họ trước, tên sau' với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in" - Ngoại trưởng Kono khẳng định.
Hiện nay, tên của Thủ tướng Nhật Bản vẫn được giới truyền thông quốc tế sử dụng là "Thủ tướng Shinzo Abe".
Tokyo mong muốn tạo ra sự thay đổi khi bắt đầu thời đại Lệnh Hòa (Reiwa), cũng như để chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế lớn sắp diễn ra tại Nhật Bản như Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2019, Tokyo Olympic 2020, và Paralympic 2020.
Vào tháng 3-2019, ông Shibayama đã khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ cân nhắc việc áp dụng cách viết tên họ trước, tên sau trong các thủ tục giấy tờ như hộ chiếu.
Mặt khác, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tỏ ý thận trọng về sự thay đổi này. "Có rất nhiều yếu tố chúng ta cần phải xem xét, trong đó có quy ước" - ông khẳng định trong cuộc họp báo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Olympic Shunichi Suzuki khẳng định người dân nên có cuộc thảo luận mang tính toàn quốc trước khi quyết định chính thức được đưa ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận