Phóng to |
Cựu thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama gây cú sốc lớn với phát biểu có lợi cho Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Theo AFP, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong), cựu thủ tướng Nhật Hatoyama cho biết việc Trung Quốc tin rằng Nhật “đánh cắp” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điều “không thể tránh được”.
Sau đó, ông trả lời các phóng viên Nhật rằng ý của ông là “có khả năng” Trung Quốc nghĩ như vậy. Phản ứng lại, chánh văn phòng nội các nhật Yoshihide Suga chỉ trích phát biểu của ông Hatoyama là “mang tính xúc phạm”.
“Tôi hoàn toàn chết lặng khi nghe tuyên bố của ông ấy. Miệng tôi há hốc ra - ông Suga cho biết - Đó là những lời lẽ mang tính xúc phạm và không thể tha thứ được. Thật đáng tiếc là một cựu thủ tướng lại nói những lời làm tổn thương lợi ích quốc gia”.
Trong khi đó, các cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra rất hào hứng với phát biểu của ông Hatoyama. “Ông Yukio Hatoyama là một chính trị gia chân thực còn (thủ tướng Nhật) Shinzo Abe là kẻ dối trá” - một blogger Trung Quốc viết trên trang mạng xã hội Weibo.
Ông Hatoyama từng giữ chức thủ tướng Nhật từ tháng 9-2009 đến tháng 6-2010. Nhiệm kỳ của ông bị truyền thông Nhật và quốc tế đánh giá là một thất bại do quan hệ Nhật - Mỹ xấu đi vì vấn đề quân đội Mỹ đóng ở Okinawa.
Đến nay, quan điểm của Chính phủ Nhật luôn là không hề có tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và quần đảo này luôn là một phần của Nhật. Mới đây, báo Sankei đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật đang xem xét kế hoạch phát triển tên lửa tầm ngắn với mục tiêu bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư.
Báo này cho biết Bộ Quốc phòng Nhật muốn triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 400-500 km tại tỉnh Okinawa nhằm hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) ngăn chặn các cuộc tấn công, đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo khác trên biển Hoa Đông.
Báo Japan DailyPress cũng vừa đưa tin Thượng viện Mỹ đã đề xuất một nghị quyết lên án các hành vi của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như tranh chấp trên biển Đông. Dự thảo nghị quyết lên án các hành vi đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực trên biển Đông và biển Hoa Đông nhằm thay đổi hiện trạng về chủ quyền biển đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận