Người dân tại khu trung tâm mua sắm, vui chơi hàng đầu Shibuya, Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: CHOSUN BIZ
Theo báo Chosun Ilbo ngày 2-8, Nhật Bản quyết định tăng mức lương tối thiểu thêm 31 yen/giờ (0,24 USD). Đây là mức lương cao nhất trong lịch sử nước này từ trước đến nay.
Theo đó, mức lương tối thiểu mỗi giờ trung bình ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ 930 yen (7,11 USD) lên đến 961 yen (7,35 USD) và quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10 tới đây.
Theo báo Asahi, Hội đồng Tiền lương quốc gia (thuộc cơ quan tư vấn cho Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản) đã quyết định tăng mức lương trung bình theo giờ trên toàn quốc thêm 3,3% so với hiện tại.
Được biết, mức lương tối thiểu theo giờ ở mỗi khu vực là khác nhau, vì vậy sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia ra quyết định chính thức, chính quyền của từng địa phương sẽ tự đưa ra mức lương tối thiểu của mình.
Chia sẻ với báo Yomiuri, ông Yamazaki Chuo, giáo sư đại học, cho biết: “Theo tôi, cần đặc biệt ưu tiên tăng mức lương tối thiểu ở những khu vực có tỉ lệ sinh viên theo học ở bậc đại học thấp để thu hút và hình thành được một lực lượng lao động chuyên môn cao, bởi vì ở một số khu vực, những người lao động trẻ chỉ dừng ở trình độ phổ thông”.
Bên cạnh đó, theo Viện nghiên cứu kinh tế đời sống Daiichi, mức tăng lương tối thiểu ở Nhật những năm gần đây thấp hơn so với các nước trong khu vực, cụ thể là Hàn Quốc, đã khiến lực lượng lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động từ các nước Đông Nam Á giảm dần.
Trong tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, lao động từ các nước ASEAN chiếm hơn 40%. Họ trở thành nguồn nhân lực chủ chốt giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Cụ thể, chỉ số thu hút lao động đến từ Việt Nam giảm từ 36,7 (năm 2011) xuống còn 20,5 (năm 2021).
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo là vùng có mức lương tối thiểu cao nhất hiện nay với 1.041 yen/giờ (7,96 USD), theo sau là Kanagawa với 1.040 yen/giờ (7,95 USD), Osaka là 992 yen/giờ (7,58 USD)…
Trái lại, khu vực có mức lương tối thiểu thấp nhất Nhật Bản hiện nay là Okinawa với 820 yen/giờ (6,27 USD).
Việc tăng mức lương tối thiểu không chỉ giúp người dân Nhật Bản giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, mà còn giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nguồn lao động do tỉ lệ sinh thấp và già hóa dân số tại nước này.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở Tokyo - Ảnh: AFP
Lạm phát gia tăng
Nhật Bản quyết định tăng mức lương tối thiểu cho người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Tỉ lệ lạm phát vào tháng 6-2022 là 2,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (-0,5%).
Theo tạp chí The Diplomat, ngày nay nhiều người Nhật đang cảm thấy khó khăn khi giá cả tăng vọt mà lương không tăng. Chỉ số tiêu dùng (CPI) đối với các mặt hàng cơ bản tại Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây: 2,5% vào tháng 5-2022.
Theo dữ liệu của Teikoku Databank, hơn 10.000 mặt hàng thiết yếu tại Nhật đã tăng 13%.
Nhật báo kinh tế Nikkei cho biết, các loại thực phẩm như bánh mì, mì gói, khoai tây chiên, các loại thực phẩm đông lạnh, các loại hải sản và trái cây đã trở nên cực kỳ đắt đỏ trong thời gian qua.
Nhiều công ty Nhật Bản thay vì chọn tăng giá thì họ quyết định giảm trọng lượng mỗi sản phẩm và giữ nguyên giá cũ.
Bên cạnh đó, 75% thức ăn chăn nuôi đều được nhập khẩu làm tăng thêm áp lực lạm phát, khiến giá các loại thịt và gia cầm cũng tăng theo.
Các quốc gia khác nâng mức lương tối thiểu
Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng mức lương tối thiểu thêm 5% so với năm 2022, tức 9.620 won (7,36 USD)/giờ. Mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng vào năm 2023.
Theo Chosun Biz, các nước châu Âu cũng lần lượt nâng mức lương tối thiểu cho người dân trong bối cảnh lạm phát gia tăng ở khắp mọi nơi.
Cụ thể, ở Đức, mức lương tối thiểu tăng thêm 6,4% lên 10,45 euro (10,74 USD)/giờ vào tháng 7 vừa qua và sẽ tiếp tục tăng lên 14,8%, tức chạm ngưỡng 12 euro (12,33 USD)/giờ vào tháng 10 tới.
Tại Pháp, mức lương tối thiểu cũng tăng 2,6% lên 10,85 euro (khoảng 11 USD)/giờ kể từ tháng 5-2022.
Thành phố Los Angeles (Mỹ) cũng tăng mức lương tối thiểu thêm 9% lên 16 USD/giờ trong tháng 7-2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận