07/01/2022 14:00 GMT+7

Nhật Bản đau đầu việc học sinh không thạo tiếng Anh dù học nhiều năm

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Nhật Bản đã trải qua hàng chục năm cải tiến chương trình dạy tiếng Anh nhưng vẫn đau đầu với việc rất ít học sinh sử dụng thành thạo ngôn ngữ này dù đã học nhiều năm.

Nhật Bản đau đầu việc học sinh không thạo tiếng Anh dù học nhiều năm - Ảnh 1.

Một tiết học tiếng Anh của học sinh tiểu học Nhật Bản. Ảnh: japantimes.co.jp

Trên khắp nước Nhật, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông mong muốn vào đại học hiện đang chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào tiêu chuẩn hóa, sự kiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các lựa chọn sau trung học của họ.

Những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách giáo dục đã cố gắng cải tiến bài thi do Trung tâm Khảo thí Đầu vào Đại học Quốc gia điều hành, nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại đang thay đổi. Và trọng tâm các cuộc thảo luận của họ là tiếng Anh trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc rất ít sinh viên Nhật Bản sử dụng được ngôn ngữ này một cách trôi chảy dù đã học nhiều năm.

Bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào đại học ở Nhật

Trước đây được gọi là 'Kỳ thi Trung tâm Quốc gia', kỳ thi tuyển sinh đại học tiêu chuẩn chủ yếu tổ chức cho các học sinh tốt nghiệp trung học vào giữa tháng 1 và là một trong những kỳ thi lớn nhất ở Nhật Bản, với khoảng 500.000 người tham gia hàng năm. Kết quả thi là một yêu cầu quan trọng đối với nhiều học sinh muốn vào các trường đại học quốc gia và công lập. Một số trường đại học tư thục cũng đưa kỳ thi vào quá trình sàng lọc của họ, càng làm tăng thêm tầm quan trọng của nó.

Trong số các môn học được đánh giá trong kỳ thi, môn tiếng Anh được sử dụng phổ biến nhất, với 99% người dự thi đã kiểm tra trình độ tiếng Anh vào năm ngoái.

Năm ngoái cũng là lần đầu tiên kỳ thi được tiến hành theo hình thức trắc nghiệm kể từ khi nó được đổi tên thành 'kyōtsū' ('bài kiểm tra thông thường') kèm theo những thay đổi sâu rộng bao gồm cả phần thi tiếng Anh. Ví dụ: Phần đọc của bài thi tiếng Anh đã loại bỏ các câu hỏi truyền thống về ngữ pháp và thành ngữ mà thay vào đó, tập trung vào việc đánh giá khả năng của học sinh trong việc xử lý các tình huống hàng ngày, chẳng hạn như nhắn tin cho bạn bè hoặc hoàn thành đăng ký trực tuyến cho một câu lạc bộ người hâm mộ.

Mặc dù nhấn mạnh vào sự hiểu biết thực tế hơn về tiếng Anh, bài kiểm tra vẫn chỉ đánh giá kỹ năng đọc và nghe của học sinh, giống như định dạng trước.

Tranh cãi về kỹ năng nói - viết

Lần ra mắt của thử nghiệm cải tiến vào năm ngoái lẽ ra đã đánh dấu một sự thay đổi lớn hơn nhiều. Ban đầu, Bộ Giáo dục Nhật Bản dự kiến sẽ thuê khu vực tư nhân đánh giá bài kiểm tra tiếng Anh, với cả bốn kỹ năng đọc, nghe, viết và nói.

Hai kỹ năng viết, nói thường được coi là điểm yếu của học sinh Nhật Bản và việc bắt buộc đánh giá các kỹ năng này trong khuôn khổ tiêu chuẩn hóa sẽ thúc đẩy học sinh phải nỗ lực rèn luyện hơn.

Nhưng các bài kiểm tra trình độ do khu vực tư nhân tổ chức, bao gồm Bài kiểm tra trình độ tiếng Anh thực tế (Eiken), Bài kiểm tra tiếng Anh như một ngoại ngữ (TOEFL) và Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế (IELTS), thường tốn kém và bất lợi đối với học sinh gia đình nghèo. Các trung tâm khảo thí cũng khó tiếp cận hơn đối với học sinh ở nông thôn.

Do lo ngại về bất bình đẳng, sáng kiến thuê tư nhân đột ngột bị gác lại vào năm 2019, và từ mùa Hè 2020, kế hoạch đã bị hủy bỏ vĩnh viễn.

Giáo dục tiếng Anh trong các trường học Nhật Bản từ lâu bị chỉ trich là có xu hướng tập trung nhiều vào ngữ pháp và dịch các câu quá phức tạp, dẫn đến kết quả là rất ít học sinh tốt nghiệp thông thạo ngôn ngữ này.

Năm 2014, hội đồng tư vấn của Bộ Giáo dục đã kêu gọi kỳ thi tuyển sinh đại học đánh giá cả bốn kỹ năng nền tảng với hy vọng rằng làm như vậy sẽ giúp thế hệ sau sử dụng tiếng Anh chủ động hơn trong thời đại toàn cầu hóa.

Nỗ lực sử dụng thông thạo tiếng Anh

Nỗ lực của Bộ Giáo dục Nhật Bản nhằm cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh cho thanh thiếu niên đã diễn ra trong nhiều thập kỷ nay.

Chương trình học đã được tăng cường các tiết trò chuyện, giao tiếp bằng tiếng Anh trong lớp. Xu hướng đó bắt đầu từ năm 1989, khi hướng dẫn chương trình giảng dạy của Bộ lần đầu tiên tuyên bố rằng 'giao tiếp' là mục tiêu của việc học tiếng Anh, dẫn đến ra đời môn học mới Giao tiếp tiếng Anh miệng trong các trường trung học. Các trường đã tăng cường thuê giáo viên ngoại ngữ nước ngoài và cải thiện kỹ năng của giáo viên tiếng Anh trong nước.

Từ năm 2009, Bộ Giáo dục Nhật Bản yêu cầu các giáo viên tiếng Anh trung học phổ thông - hầu hết không phải là người bản ngữ - phải giảng dạy bằng tiếng Anh. Sự thay đổi đó, có hiệu lực từ tháng 4/2013, hiện đã thực hiện ở khối trường trung học cơ sở.

Tuy nhiên, những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ đó có được đền đáp hay không vẫn là điều còn phải bàn cãi. Theo dữ liệu năm 2019 do Bộ Giáo dục Nhật Bản tổng hợp, người Nhật vẫn bị xếp hạng kém trong một loạt các bài kiểm tra đánh giá tiếng Anh được quốc tế công nhận. Ví dụ, trong phiên bản thi TOEFL trên internet, điểm trung bình của những người dự thi ở Nhật Bản là 72, thấp nhất trong số 37 quốc gia OECD.

Giáo dục tiếng Anh ở Nhật đang hướng đến đâu?

Việc chấm dứt kế hoạch đánh giá đồng thời 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong kỳ thi tiêu chuẩn hóa là một đòn giáng mạnh vào nhiều người ủng hộ một chương trình học tiếng Anh thực tế hơn.

Tuy vậy, ngày càng nhiều trường đại học tư thục hiện đang cho sinh viên nộp điểm từ các bài kiểm tra thuộc khu vực tư nhân - bao gồm Eiken, TOEFL iBT và IELTS, trong hồ sơ tuyển.

Ví dụ, Đại học Rikkyo ở Tokyo, đã thực hiện một bước quyết liệt vào năm ngoái là bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh bằng tiếng Anh của riêng mình và thay vào đó khuyến khích các ứng viên tham gia bất kỳ kỳ thi năng lực nào do tư nhân tổ chức. Mục đích của họ là tuyển những sinh viên thông thạo bốn kỹ năng nền tảng của tiếng Anh theo mục tiêu 'bồi dưỡng các nhà lãnh đạo toàn cầu'.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên