28/12/2014 10:14 GMT+7

​Nhật Bản cho VN vay để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH
V.V.THÀNH - C.V.KÌNH

TT - Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, hướng là vay về cho vay lại với thời gian dài hơn, lãi suất nhẹ hơn để tái cơ cấu các khoản nợ hiện vay ngắn hạn và lãi suất cao quá.

Ngày 27-12, tại hội nghị giao ban về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, đề cập việc Nhật Bản cho vay tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ngân hàng Nhà nước để bàn với Nhật phương thức đàm phán cụ thể. 

Ông cho biết hướng là vay về cho vay lại với thời gian dài hơn, lãi suất nhẹ hơn để tái cơ cấu các khoản nợ hiện vay ngắn hạn và lãi suất cao quá. Nếu được như thế thì các doanh nghiệp sẽ hưởng ứng nhưng phải chủ động đề xuất lên, cụ thể là có vốn vay về thì triển khai việc gì. 

Vừa qua Phó thủ tướng làm việc với Hàn Quốc, phía Hàn Quốc cũng bày tỏ quan tâm vấn đề này.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng với nhiệm vụ đến hết năm 2015 hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp (chưa kể số doanh nghiệp bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước mới), trong năm 2015 các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần nỗ lực nhiều hơn. 

Cụ thể tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ban hành nghị định về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công. Đồng thời lưu ý các tập đoàn, tổng công ty sau cổ phần hóa thì phải niêm yết trên thị trường chứng khoán theo luật định, đối với các doanh nghiệp đã IPO mà tỉ lệ bán vốn chưa đạt theo kế hoạch thì tiếp tục thực hiện.

* Cùng ngày, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố các chỉ số tình hình kinh tế - xã hội năm 2014. Theo đó, GDP cả nước năm 2014 tăng khoảng 5,98% - cao nhất ba năm qua (GDP năm 2013 tăng 5,42%, năm 2012 tăng 5,25%).

Nhập siêu Trung Quốc tăng 21,8%

Theo Tổng cục Thống kê, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN. Mặc dù đã có nhiều kêu gọi đa dạng hóa thị trường, nhưng kết quả năm 2014 nhập khẩu của VN từ Trung Quốc vẫn lên tới 43,7 tỉ USD. Nhập siêu của VN với Trung Quốc đã lên mức 28,9 tỉ USD, tăng 21,8% so với năm 2013.

Dù số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động năm 2014 đã lên tới con số 67.800, nhưng ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nêu kết quả khảo sát về doanh nghiệp cho thấy trong tổng số khoảng 800.000  doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, đến ngày 31-12-2014 VN ước còn 401.224 doanh nghiệp vẫn đang hoạt động.

“Như vậy, thực tế tỉ lệ doanh nghiệp tồn tại đạt gần 60% - khá cao so với các nước” - ông Lâm nói.

Ngoài điểm sáng, ông Lâm nêu bật những khó khăn, thách thức với nền kinh tế có thể sẽ xuất hiện năm 2015. Theo ông Lâm, đó là lạm phát 2014 tuy thấp nhưng vẫn khó lường, giá dầu có thể tăng trở lại thì sẽ có thể ảnh hưởng giá cả. Năm 2015 VN cũng gia nhập cộng đồng chung ASEAN, thách thức cạnh tranh sẽ rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu diễn ra chậm, nhất là doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; cầu tăng hơn nhưng chưa thật sự mạnh; năng suất lao động dù tăng nhưng chỉ bằng 1/18 Singapore, bằng 1/3 Thái Lan và Trung Quốc... cũng sẽ là những vấn đề của nền kinh tế VN.

Năm 2014, VN xuất siêu 2 tỉ USD, đây là mức xuất siêu cao nhất từ năm 2012. Điều này đã giúp VN giảm áp lực lên tỉ giá. Tuy nhiên, số liệu lại cho thấy dù xuất siêu hàng hóa nhưng VN lại đang nhập khẩu dịch vụ với giá trị rất lớn: 15 tỉ USD, tăng 5,6% so với năm trước, trong đó riêng dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng nhập khẩu lên tới 8,1 tỉ USD.

“Như vậy, VN nhập siêu dịch vụ khoảng 4 tỉ USD. Nên tính chung cả hàng hóa và dịch vụ thì VN lại nhập siêu 2 tỉ USD” - ông Lâm nói.

 

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên