08/01/2017 09:16 GMT+7

Nhập cuộc giữa những ngày khói lửa

Nhà báo LÊ VĂN NUÔI
Nhà báo LÊ VĂN NUÔI

TTO - Vào những ngày Tết Mậu Thân 1968, khắp TP Sài Gòn bỗng ầm vang tiếng súng, mới đầu nghe dễ lầm với tiếng pháo nổ đón xuân. Sau đó, mọi người mới vỡ lẽ là quân giải phóng đang tổng tấn công nhiều cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Nữ sinh Đức Trí xuống đường biểu tình chống chế độ Lonnol giết hại người Việt tại Campuchia - Ảnh: T.L.
Nữ sinh Đức Trí xuống đường biểu tình chống chế độ Lonnol giết hại người Việt tại Campuchia - Ảnh: T.L.

Những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Sài Gòn và binh lính Mỹ với các nhóm giải phóng quân cảm tử đã khiến Sài Gòn hoàn toàn tê liệt cả tháng.

Nhập cuộc...

Khi ấy, tôi là học sinh Trường nghề Cao Thắng. Tuổi 16 bay nhảy mà lại nằm khoanh ở nhà, không đi chơi đâu được. Rồi tình cờ đọc thấy báo đăng “Lời kêu gọi của Ủy ban thanh niên - sinh viên - học sinh cứu trợ đồng bào bị nạn Mậu Thân”, kêu gọi SVHS hãy tham gia công tác tại các trung tâm cứu trợ do ủy ban này tổ chức, tôi vội tìm đến văn phòng trung tâm cứu trợ, đóng tại “Trung tâm sinh hoạt Thanh niên” số 4 Duy Tân (ngày nay là Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1).

Quang cảnh thật náo nhiệt. Người, xe ra vào tấp nập, lều bạt giăng khắp sân. Tiếng loa thông báo liên hồi nhằm điều động các đội nhóm TNSVHS tình nguyện đi công tác hoặc mời đồng bào đến nhận hàng cứu trợ như gạo, mì, quần áo...

Nơi đây vừa là văn phòng trung tâm của Ủy ban TNSVHS cứu trợ - để từ đây điều hành 8 trại cứu trợ rải khắp Sài Gòn; vừa là văn phòng của Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn; lại vừa là trại tạm trú của khoảng 50 gia đình đồng bào đã bị cháy hết nhà hoặc có nhà ở vùng còn đang giao tranh...

Tôi được xếp vào đội 12 gồm HS Cao Thắng và Gia Long. Nhiệm vụ của đội 12 là đi thu dọn những khu nhà dân đã bị lửa đạn đốt cháy tan hoang và tham gia xây dựng nhà mới cho dân ở các bãi chiến trường khu Thị Nghè, khu Petrus Ký, bến Phạm Thế Hiển, Q.8...

Khu Petrus Ký là một khu đất rộng nhiều hecta ở ngã bảy Sài Gòn. Nơi đây đã trở thành một công trường xây dựng hàng trăm ngôi nhà tiền chế để cấp cho đồng bào bị nạn chiến tranh không còn nhà ở; loại nhà này do lính công binh Mỹ, Việt sản xuất hàng loạt cột kèo, vách bằng gỗ, mái tôn... theo một quy cách thống nhất, được họ vận chuyển đến công trường giao cho thợ xây dựng thi công lắp ráp.

Với vốn tay nghề kỹ thuật, suốt hai tháng trời, chúng tôi phụ việc cho những người thợ xây dựng chuyên nghiệp. Các bạn nữ sinh Gia Long lo hậu cần, nấu nướng. Ban đêm, đám con trai ngủ lại công trường để bảo vệ vật tư và... chọc phá lẫn nhau.

Nhớ quá những đêm lửa trại giao lưu văn nghệ với các đội tình nguyện, các đoàn thể thanh niên khác; nhớ những đêm đội 12 cử “tổ đặc công” gồm những anh em gan lì nhất, bí mật trườn bò, đột nhập vào trại lính Đại Hàn bên cạnh để... lấy cắp búa kềm và... đồ hộp của lính về công trường để xây nhà và bồi dưỡng anh em!

Hoàn thành nhiệm vụ ở một công trường xây dựng, chúng tôi lại rút quân về trung tâm số 4 Duy Tân để rút kinh nghiệm, học cứu thương, tập dượt văn nghệ..., coi như “chỉnh quân” trước khi hành quân tiếp.

Ông Lê Văn Nuôi - Ảnh: T.L.
Ông Lê Văn Nuôi - Ảnh: T.L.


Giác ngộ

Phong trào TNSVHS cứu trợ đồng bào này do Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định tổ chức chỉ đạo, ngoài việc cứu trợ đồng bào còn nhằm tập hợp, thu hút giới trẻ học đường tham gia đấu tranh cách mạng, nên chính quyền Sài Gòn bắt đầu mở chiến dịch đàn áp.

Các trại cứu trợ đóng ở một số trường học bị giải tán hàng loạt, vào ban đêm bằng cách đưa hàng đoàn xe GMC (loại xe tải lớn của Mỹ dùng chuyên chở quân đội) cùng lực lượng cảnh sát dã chiến đến hốt đồng bào và đồ đạc lên xe, đưa về chỗ ở cũ, mặc dù nhiều nơi chưa xây xong nhà ở mới.

Sau khi giải tán tám trại cứu trợ đó, cảnh sát dã chiến và lực lượng an ninh mật vụ tấn công luôn trung tâm số 4 Duy Tân và bắt giữ nhiều anh chị lãnh đạo Hội đồng đại diện SV Sài Gòn - cũng là lãnh đạo trung tâm cứu trợ - như anh Nguyễn Thanh Công, các chị Trần Thị Ngọc Hảo, Đào Thị Nguyệt Thanh...

Phong trào hoạt động công khai của Thành đoàn dưới hình thức cứu trợ đồng bào bị nạn chiến tranh 1968 phải tạm điều lắng, chuyển qua những hình thức sinh hoạt khác như hình thành các đội nhóm văn nghệ, làm báo... tại các trường học, tiếp tục vận động TNSVHS tham gia cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và giành độc lập dân tộc.

Những hoạt động xã hội, từ thiện giàu tính nhân đạo đó đã giúp cho nhiều thanh thiếu niên Sài Gòn - trong đó có tôi - hiểu được bản chất của cuộc chiến tranh đang lan đến TP, để từ nhận thức, giác ngộ đó đứng vào đội ngũ chiến đấu của Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam - tức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày nay.

(còn tiếp)

Nhà báo LÊ VĂN NUÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên