05/01/2019 12:16 GMT+7

Nhân vật phản diện tự kể về mình trong artbook Thiện và ác và cổ tích

LAM ĐIỀN thực hiện
LAM ĐIỀN thực hiện

TTO - Một êkip gồm thạc sĩ Thủy Nguyên và 16 họa sĩ vừa hoàn thành tập sách tranh (artbook) Thiện và ác và cổ tích. Đáng chú ý là lần đầu tiên, các nhân vật phản diện của thế giới cổ tích lên tiếng tự kể câu chuyện về mình trong ngôi thứ nhất.

Nhân vật phản diện tự kể về mình trong artbook Thiện và ác và cổ tích - Ảnh 1.

Hai chị em Tấm và Cám cùng tâm sự trên trang sách - Ảnh: L.ĐIỀN

Sáng nay 5-1, Thủy Nguyên và êkip thực hiện tập artbook Thiện và ác và cổ tích có buổi giao lưu ra mắt sách tại Trung tâm sách Kim Đồng (Q.1, TP.HCM), tại đây còn có triển lãm các tranh vẽ khổ lớn đã được sử dụng trong tập sách.

Vốn ấp ủ niềm yêu thích cổ tích từ ngày bé thơ cho đến lúc làm mẹ, thạc sĩ văn hóa học Thủy Nguyên đã vào vai các nhân vật cổ tích để viết lại 16 câu chuyện theo phong vị hoàn toàn mới. 

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Thủy Nguyên cho hay văn học dân gian ngấm vào máu thịt cô từ những câu chuyện, lời ca của ông bà nội: "Khi làm mẹ, tôi lại kể chuyện cổ cho con nghe. Mỗi tối, tôi kể bằng nhiều cách khác nhau, nhấn nhá hoặc nhập vai để kể lại, bé nghe và rất thích. Nên mới có ý tưởng là làm sao để có một quyển sách kể chuyện cổ tích nhưng kể bằng cách như thế này để trẻ con không bị nhàm chán bởi những cách kể cũ nữa".

tn

ThS Thủy Nguyên - Ảnh: L.ĐIỀN

* Sáng tạo từ những câu chuyện quen thuộc để đưa ra một không gian cổ tích mới là một thử thách, liệu bạn đọc có thể hình dung quyển Thiện và ác và cổ tích có những gì hấp dẫn?

- Đây là một cuốn truyện được kể theo cách mới, Thiện và ác và cổ tích cho cả hai tuyến nhân vật cùng lên tiếng. Bạn đọc sẽ nghe các nhân vật phản diện tự nói về mình, tự kể câu chuyện của chính họ chứ không phải như bao đời nay họ là nhân vật thứ ba luôn bị người đời đem ra kể lại. 

Khi kể về các nhân vật phản diện theo ngôi thứ ba, những nhân vật này hay được lồng thêm các từ của dân gian, ví dụ như "có tên bán rượu Lý Thông gian xảo kia". 

Như vậy tại sao ta không để cho Lý Thông tự nói, xem anh ta bao biện như thế nào. Những suy nghĩ của nhân vật giúp người đọc hiểu hơn tâm trạng của tuyến nhân vật đó. Cũng có thể nói đây là một cách công bằng để cả hai tuyến thiện ác đều cất lên tiếng nói của mình.

Ngoài ra, phần tranh vẽ theo tôi là điểm rất ấn tượng của cuốn sách. 16 câu chuyện cổ tích được 16 họa sĩ lành nghề dày công vẽ minh họa. Và sau mỗi truyện trong sách, còn có một phần gọi là khái quát lại nội dung nghệ thuật của truyện ấy.

* Còn tiêu chí để chọn ra 16 truyện trong kho tàng cổ tích mênh mông...?

- Tôi và ban biên tập cùng thống nhất chọn làm sao được các truyện đặc sắc, quen thuộc với bạn đọc cả trẻ con và người trưởng thành, đặc biệt là các truyện có các cặp nhân vật nổi bật hoặc là trong một mối tương quan (như vợ chồng Âu Cơ và Lạc Long Quân) hoặc mâu thuẫn giữa thiện và ác.

* Với cách tạo điều kiện cho những nhân vật ác lên tiếng, nếu có độc giả cho rằng nhân vật nói những điều "không đúng với hình dung của tôi", Thủy Nguyên sẽ nói gì?

- Mặc dù cái ác lên tiếng, nhưng lên tiếng đúng theo cốt truyện thôi, chứ không phải lên tiếng thái quá vượt quá mức độ cho phép. Phía NXB Kim Đồng cũng đặt yêu cầu cao cho nhóm thực hiện, sao cho phải thật chỉn chu, và đưa ra được những thông điệp sáng rõ nhất có thể.

* Và theo Thủy Nguyên, thông điệp đó là...

- Là làm sao tiếp nối dòng mạch của cổ tích, vì bây giờ các phương tiện cho trẻ giải trí rất nhiều, nên tôi muốn làm sao trẻ vẫn đến được với cổ tích, được bồi đắp bằng các giá trị mà cổ tích mang lại. 

Và mặc dù truyện cổ tích thường hướng người ta đến những điều đẹp đẽ, trọn vẹn, trong khi cuộc sống thì không phải lúc nào cũng được đẹp như vậy nhưng với trẻ con, và cả người lớn nữa, tôi nghĩ là cần nuôi dưỡng cảm xúc và niềm tin, tin vào điều tốt đẹp. Trong cuộc sống cần niềm tin như vậy, để khi nào chới với mình có cái bấu víu.

Cổ tích giúp mình tin vào điều tốt đẹp và nuôi dưỡng điều tốt đẹp trong tâm hồn, nhất là với những đứa trẻ. Đứng ở góc độ một bà mẹ, tôi không bao giờ để con thiếu hụt những điều ấy trong tâm hồn.

Mỹ thuật là nội dung thứ hai của sách

Những năm gần đây, bên cạnh việc chăm chút nội dung từng cuốn sách, NXB Kim Đồng còn mạnh tay đầu tư về hình thức, mỹ thuật. Thể loại artbook được quan tâm từ khá sớm, ngoài mảng artbook mua bản quyền từ nước ngoài, artbook trong nước của Kim Đồng bắt đầu từ quyển Những đôi mắt lạnh (Phan Hồn Nhiên và họa sĩ Phan Vũ Linh, năm 2011), từ đó dòng artbook tiếp tục ra mắt với các đầu sách thu hút đông đảo độc giả: Những nàng công chúa bí ẩn và Nàng lọ lem (của họa sĩ Khoa Lê), 5 Mùa (nhiều tác giả), Lĩnh Nam chích quái (phần tranh do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ), Hành trình đầu tiên (Phùng Nguyên Quang & Huỳnh Kim Liên) và mới nhất là Thiện và ác và cổ tích.

"Chúng tôi quan niệm: mỹ thuật là nội dung thứ hai của cuốn sách. Nhưng artbook đòi hỏi đầu tư nhiều về mỹ thuật, chi phí xuất bản cao nên giá thành là một phần trở ngại để sách đến được với số đông độc giả. Tuy nhiên, đây là hướng đi cần thiết, tiệm cận xu thế làm sách của thế giới, góp phần làm phong phú chủng loại sách và nhất là hướng đến một thế hệ độc giả mới với thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao" - ông Cao Xuân Sơn, phó giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết.

Truyện cổ tích lên áo dài trẻ em Truyện cổ tích lên áo dài trẻ em

TTO - 10 câu chuyện cổ tích đặc sắc của Việt Nam sẽ được nhà thiết kế Thuận Việt vẽ lại và thiết kế thành những bộ áo dài trẻ em, lần đầu được giới thiệu tại chương trình Ước mơ thiên thần vào ngày 31-5 này.

LAM ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên