03/01/2019 20:00 GMT+7

Miền sương khói - giai phẩm về Đà Lạt : Dưỡng chất của giấc mơ

NAM THỤ
NAM THỤ

TTO - Đà Lạt không chỉ là một không gian, một thành phố, một địa giới... Từ khởi thủy hình thành, Đà Lạt đã là một giấc mơ.

Miền sương khói - giai phẩm về Đà Lạt : Dưỡng chất  của giấc mơ - Ảnh 1.

Ảnh: NAM THỤ

Giấc mơ ấy triển hạn, cho đến những năm gần đây, với nhiều người trẻ, Đà Lạt đã là "cơn nghiện", là ám ảnh, là đại diện cho bình yên, cho sự tưới tắm tâm hồn, cho việc sống chậm lại hay sống với thiên nhiên.

Miền sương khói - giai phẩm về Đà Lạt là chắt lọc trời và đất, khói và cây, người và mơ... những điều đã trình hiện ra một Đà Lạt như một thành phố, như một đô thị riêng biệt, độc sáng. Sách chia ba phần: truyện ngắn, tản văn và biên khảo.

Tất cả các phần đều tập trung cho Đà Lạt - ở phía nhiều sương khói, huyền ảnh, mơ mộng và yên ấm nhất.

Sức hút của Đà Lạt khiến các tác giả trong sách trải rộng độ tuổi từ những người đã khuất, những người xấp xỉ 80 đến các cây bút chỉ mới đôi mươi; từ họa sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu đến nhạc sĩ và ca sĩ; những trang viết có từ năm 1893 khi Đà Lạt mới được "nhận ra", qua thời điểm xây dựng, khi chiến cuộc tăng và bây giờ, trong hơi thở của người trẻ.

Một biên niên nho nhỏ, một biên niên được phủ đầy lớp khói sương của vùng đất, của tâm cảm, của hoài niệm, của cả tiếc nuối và dở dang.

Đà Lạt đẹp có khi chỉ là do một cây mimosa vàng nở ở đầu ngõ, Đà Lạt nhớ có khi chỉ là một cuộc cà phê trong một quán vắng chủ, Đà Lạt yêu có khi chỉ là một cô gái không rõ tên theo ta đến cuối dốc...

Mỗi câu chuyện, mỗi chi tiết, mỗi cảnh vật đều được phủ một lớp sương mờ như thế, để trở nên dễ rung cảm hơn, lớp sương ấy có thể trôi ra từ hồ hay trôi ra từ lòng ta trong một rung động với toàn bộ không gian và không khí Đà Lạt.

Lớp khói sương ấy còn nhiều hơn nữa ở phần tản văn, những người đã đến, sống, yêu và cả chết với thành phố cao nguyên này. Người đã "cưới một thành phố" khi về làm dâu Đà Lạt, đã phải mất rất nhiều thời gian để qua khỏi lớp khói sương ấy mà nhận rõ chân tình của mình.

Người đã yêu sự im lặng của Đà lạt, sau lớp áo xô bồ du lịch, những ngôi nhà đóng cửa lại đang là thành trì để bảo vệ một Đà Lạt riêng biệt.

Kẻ lữ thứ đã nằm mãi với hồ Xuân Hương, kẻ đi xa nhớ lại bức thư tình cuối dốc và ngày lạc bước trong sương. Sách còn cho biết trước những rung cảm ấy, Đà Lạt đã được dựng lên trong giấc mơ thực dân nào, những biến chuyển to lớn của thành phố, những thay đổi về cảnh quan và chính sách để Đà Lạt hiện ra như hiện nay.

Ta có thể đem lòng ta cảm về Đà Lạt mà so với bao người: Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Phạm Duy...

Sau hành trình nho nhỏ theo sách, khi dõi theo Đà Lạt của người khác, Đà Lạt của riêng du khách sẽ thay đổi, có thể ít hoặc nhiều hơn khói sương, nhưng chí ít cũng giàu có hơn để du khách, lần nào khác về lại, sẽ nhận ra Đà Lạt ở vỉa sâu hơn với lớp áo hào nhoáng du lịch.

Êm đềm những hồi ức vàng son về Đà Lạt ở Phố Bên Đồi Êm đềm những hồi ức vàng son về Đà Lạt ở Phố Bên Đồi

TTO - Phố Bên Đồi lần 3 mang đến một triển lãm với hơn 125 tác phẩm của gần 50 nghệ sĩ trẻ và đã thành danh, cùng chuyên gia các lĩnh vực khảo cổ, kiến trúc, âm nhạc,… trong và ngoài nước. Toàn bộ tranh tại triển lãm đều là lần đầu tiên ra mắt.

NAM THỤ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên