Kỳ 1: Tiến sĩ... tháo chạy
Phóng to |
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Để (trái) về Cà Mau làm việc theo diện thu hút nhân tài của tỉnh. Tỉnh này hỗ trợ thạc sĩ 180 lần mức lương tối thiểu, tức 189 triệu đồng - Ảnh: H.Bình |
Nhưng vấn đề là hiệu quả làm việc, khả năng cống hiến hoặc cơ chế phát huy hết năng lực của người được thu hút mới là quan trọng.
Thu hút nhân tài
Từ năm 2010, TP Cần Thơ đã có chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nhân lực cao về làm việc. Theo đó, giáo sư - tiến sĩ về công tác được hỗ trợ 100 triệu đồng, phó giáo sư - tiến sĩ 80 triệu đồng. Đối với người tuyển dụng mới, mức hỗ trợ: tiến sĩ 60 triệu đồng, thạc sĩ 40 triệu đồng, bác sĩ - dược sĩ chuyên khoa 2 là 55 triệu đồng.
Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, đến nay đã thu hút được 53 người có trình độ sau đại học. Ông Lê Hùng Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - nhận định số lượng thu hút như vậy là ít, chưa đáp ứng về số lượng theo nghị quyết của HĐND và chất lượng cũng “chưa như mong muốn”.
Chính sách thu hút nhân tài được tỉnh Hậu Giang ban hành từ năm 2005 với mức ưu đãi: thạc sĩ được hỗ trợ 30 triệu đồng, tiến sĩ 45 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa 1 là 30 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa 2 là 40 triệu đồng.
Đến năm 2012, UBND tỉnh tiếp tục ban hành chính sách mới về thu hút nhân tài theo hướng nâng số tiền hỗ trợ.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang, đến nay tỉnh đã thu hút được 17 người, chủ yếu có trình độ thạc sĩ theo diện chính sách này. Phải nâng vì trả thấp quá, không ai muốn về.
Ông Trần Thanh Hóa, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, cho biết: năm 2012 nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hút nguồn nhân lực quy định mức hỗ trợ một lần khi đến nhận công tác tại tỉnh như sau: giáo sư - tiến sĩ bằng 500 lần mức lương tối thiểu chung (tức 525 triệu đồng), phó giáo sư - tiến sĩ được ưu đãi 420 triệu đồng, tiến sĩ 312 triệu đồng, thạc sĩ 189 triệu đồng, bác sĩ - dược sĩ chuyên khoa cấp II 252 triệu đồng, bác sĩ - dược sĩ chuyên khoa cấp I tương đương 126 triệu đồng. Ngoài ra, người được thu hút còn được ưu tiên giải quyết nhà công vụ, đất ở, nhà ở.
Theo ông Hóa, đến nay tỉnh mới thu hút được 13 người, trong đó có 12 thạc sĩ và một tiến sĩ. “Chủ yếu là hộ khẩu Cà Mau, các tỉnh về ít lắm - ông Hóa nói thêm - Không phải có chính sách mới về. Nhiều người hộ khẩu ở Cà Mau, gần nhà cha mẹ, nguyện vọng đi học xong sẽ về nên sẵn có chính sách về luôn”.
Chọn về quê
Thạc sĩ Huỳnh Phạm Huyền Thoại, chuyên viên phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư Cà Mau, cho biết năm 2009 chị tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ulsal (Hàn Quốc). Sau đó, Thoại cùng chồng (một tiến sĩ) về tỉnh Bạc Liêu công tác theo chính sách thu hút nhân tài. Ít lâu sau, hai vợ chồng Thoại (đều quê ở Cà Mau) đã chuyển về Cà Mau công tác cũng theo diện thu hút nhân tài của tỉnh. Khi về Cà Mau, thạc sĩ Thoại được tỉnh hỗ trợ 189 triệu đồng (180 lần mức lương tối thiểu chung).
“Mới về làm việc được hai tháng - Thoại kể - môi trường làm việc ổn định và tỉnh cũng tạo điều kiện. Hiện tôi chỉ biết làm việc hết sức mình, có gì khó khăn thì nhờ đồng nghiệp hỗ trợ thêm. Làm việc ở sở, kiến thức về kinh tế tôi học được ở Hàn Quốc cũng được sử dụng nhiều. Tôi đang ấp ủ vài đề tài nghiên cứu khoa học...”.
Cùng cơ quan với Thoại, thạc sĩ Nguyễn Tấn Để - phòng kinh tế ngành - cũng về “đầu quân” theo diện thu hút nhân lực của tỉnh Cà Mau và được tỉnh hỗ trợ 189 triệu đồng. Thạc sĩ Để tâm sự: “Tôi quê ở Cà Mau. Học ở Cần Thơ tôi luôn xác định sau này sẽ về Cà Mau làm việc cho gần nhà. Tốt nghiệp năm 2012, Cà Mau có chính sách thu hút nhân lực nên tôi nộp hồ sơ về làm việc. Biết là lương thấp nhưng tôi đã xác định rồi nên không vấn đề gì”.
Ông Lê Thanh Tâm, phó trưởng phòng tin học văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, cũng về tỉnh công tác theo diện thu hút nhân tài được tám năm. Ông Tâm quê ở TP Vị Thanh, Hậu Giang. Trước khi về tỉnh, ông công tác tại Bưu điện TP.HCM. Tốt nghiệp thạc sĩ năm 2005, khi Hậu Giang có chính sách thu hút nhân tài ông Tâm xin về công tác cho gần nhà.
Ông Tâm cho rằng lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn nữa với đội ngũ được thu hút về làm việc như ông. Ông đề xuất: “Việc bố trí công việc nên phù hợp với sở trường, trình độ và đặc biệt làm thế nào luôn kích thích người được thu hút, tạo cơ hội thăng tiến. Ngoài ra, cần tạo công bằng trong đội ngũ được thu hút với cán bộ công chức trong tỉnh chứ không chỉ ưu đãi vật chất ban đầu. Người được thu hút rất muốn được cống hiến, rất cần sự quan tâm cũng như được đối xử công bằng”.
“Hợp lòng sẽ sinh cây bén rễ” Thạc sĩ Trương Thu Trang - giáo viên tổ ngữ văn, khoa sư phạm Trường ĐH Bạc Liêu - về công tác theo diện thu hút nhân tài. Tốt nghiệp ĐH Cần Thơ năm 2004, Trang về dạy học tại Trường THPT Ngã Sáu (huyện Châu Thành, Hậu Giang). Năm 2007, sau khi tốt nghiệp cao học, Trang thấy thư ngỏ của Trường ĐH Bạc Liêu mời về làm việc nên nộp đơn. “Lý do đơn giản, quê hương mình ở Bạc Liêu” - Trang nói. Thạc sĩ Trang bảo lúc đầu môi trường mới, công việc mới cũng bỡ ngỡ nhưng được trường tạo điều kiện như cấp kinh phí đào tạo, động viên để yên tâm công tác nên Trang “thu hút” ông xã về Bạc Liêu cùng làm việc. “Lương có thể không cao bằng nơi khác nhưng tôi yêu môi trường này - Trang nói về lý do gắn bó với địa phương - Số tiền ưu đãi chỉ là việc bước đầu. Về lâu dài cách bố trí công việc, môi trường làm việc mới là điều giữ chân tôi lại. Nơi nào hợp lòng sẽ sinh cây bén rễ thôi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận