29/05/2010 07:31 GMT+7

Nhận diện tham nhũng trong giáo dục

Ông Jairo Acuno
Ông Jairo Acuno

TT - Chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam đòi hỏi phải có các hành động cụ thể, hành động một cách hiệu quả. Nếu không, chất lượng dạy và học sẽ tiếp tục bị xói mòn, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của một bộ phận người dân.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: "Tham nhũng trong giáo dục khá phức tạp"

7U2Wn5K6.jpgPhóng to
Một buổi học thêm của học sinh tại một trung tâm giáo dục ngoài giờ ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là khuyến nghị chung của các đại diện tham dự cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 7 với chủ đề “Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” được tổ chức tại Hà Nội sáng 28-5.

Rất nghiêm trọng

"Những hành vi tham nhũng đang tồn tại trong giáo dục đã làm xói mòn chất lượng giáo dục, gây ra nhiều hậu quả nguy hại: ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của một bộ phận người dân, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng gánh nặng lên các doanh nghiệp và xã hội, dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển của đất nước."

Trong bản tham luận tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý tự đánh giá “công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện có hiệu quả ngay từ cơ sở trong ngành”. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không đưa ra được các thông tin, số liệu cụ thể nào về kết quả phòng chống tham nhũng của ngành.

Bộ cũng chỉ thừa nhận “công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục còn một số hạn chế, tồn tại” trong dạy thêm, học thêm, tuyển sinh đầu cấp, thực hiện các khoản thu, mua bằng, bán điểm, mua bán chứng chỉ...

Nhiều chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế chỉ ra rằng bên cạnh những lĩnh vực mà ngành giáo dục đã thừa nhận, cơ hội dẫn đến tham nhũng trong giáo dục còn có ở công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm đấu thầu...

Ông Jairo Acuno, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cho biết: “Phần chi tiêu ngân sách giáo dục - vốn là một khoản chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng chi ngân sách nhà nước - nhưng phần lớn lại được chi tiêu theo các khoản nhỏ và ở nhiều đơn vị. Các đơn vị này thường có hệ thống kế toán và giám sát còn yếu. Do đó, cơ hội dẫn đến tham nhũng thường lớn hơn”.

Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, một trong những sai phạm đã phát hiện trong giáo dục là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bao gồm việc đầu tư xây dựng trường học và đầu tư trang thiết bị dạy học với những sai phạm phổ biến như tính dự toán tăng so với yêu cầu thiết kế, áp dụng đơn giá vật liệu khác với vật liệu được chỉ định trong thiết kế, chi sai mục đích, mua sắm thừa (hoặc thiếu) và sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí đầu tư...

Khác với quan điểm của Bộ GD-ĐT coi nhiều hành vi xảy ra trong giáo dục là “hiện tượng tiêu cực”, các chuyên gia và đại diện các tổ chức đối tác phát triển đều nói cần phải xác định rõ đó là những hành vi tham nhũng. Theo đó, phải nhìn nhận tham nhũng trong giáo dục xuất hiện ở hầu hết mọi hoạt động: từ việc tuyển sinh trái tuyến, ép buộc học sinh học thêm, đến việc các nhà trường tự đặt ra các khoản thu trái quy định hoặc lạm thu trên danh nghĩa “tự nguyện”... Ông Ayumi

Konishi, giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, khuyến cáo: “Tham nhũng trong y tế và giáo dục ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có những hình thức được coi là tham nhũng “vặt”. Nếu so sánh dựa trên tiêu chuẩn quốc tế thì tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam là rất nghiêm trọng”.

Hành động

Bà V. Kwakwa (Ngân hàng Thế giới) nhận xét: “Nhiều người (ở Việt Nam - PV) vẫn thấy tham nhũng trong giáo dục không nổi cộm và chấp nhận được, thể hiện ở chuyện nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi trả thêm các khoản ngoài quy định. Suy nghĩ và hành vi đó làm trầm trọng thêm vấn đề của giáo dục”.

Nhiều đại biểu khác cũng lên tiếng cảnh báo về khía cạnh kinh tế của nhiều hành vi tham nhũng trong giáo dục liên quan đến thái độ sẵn sàng chi tiền của phụ huynh để con em mình được đối xử đặc biệt hơn những học sinh khác, được nhận điều kiện giáo dục mà họ cho là tốt hơn hay được đối xử ưu tiên hơn, được điểm số cao hơn...

Đáng quan ngại là tâm lý đó đang có xu hướng trở nên ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn, trở thành “văn hóa tham nhũng”, “văn hóa hối lộ” có phần công khai trong giáo dục, tạo ra quan hệ “cung - cầu”, “bên đưa - bên nhận” không lành mạnh trong hoạt động giáo dục.

Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman, đồng chủ tịch của cuộc đối thoại, cho rằng Việt Nam đạt được những tiến bộ trong xây dựng hệ thống luật pháp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Trên thực tế, Việt Nam đã hành động nhưng phải hành động kiên quyết, hiệu quả hơn và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt”.

Đại sứ Đan Mạch Peter L. Hansen nói một trong những nguyên nhân của tham nhũng trong giáo dục liên quan đến giáo viên là do chế độ lương bổng quá thấp. “Về lương, nếu hỏi giáo viên tiền lương có đáp ứng sinh hoạt hay không, câu trả lời phần lớn chắc chắn là không. Việc tăng lương không phải là biện pháp đủ mạnh nhưng sẽ góp phần giảm tham nhũng” - ông khẳng định. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, công luận và tầm quan trọng của việc được cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống về kết quả điều tra, xử lý, phòng chống tham nhũng.

Ông Ayumi Konishi: Nhiều rủi ro trong mua sắm đấu thầu

ADB đã tiến hành một số công trình phân tích và kết quả cho thấy trong các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, những rủi ro về mua sắm đấu thầu cũng phổ biến như trong các lĩnh vực dịch vụ khác: thiếu tính minh bạch trong chọn lựa tiêu chí cho nhà thầu; chia sẻ thông tin không thích hợp về đấu thầu; đề cử và hình thành các thành viên của ủy ban đánh giá đấu thầu một cách không phù hợp. Với một số vấn đề thì ở cấp tỉnh khá nghiêm trọng. Ví dụ kiểm toán mua sắm đã tìm thấy có sự thông đồng rõ ràng trong số 6/11 đơn vị thực hiện dự án cấp tỉnh được kiểm tra, các công trình xây dựng chất lượng kém trong 4/10 đơn vị và 6/10 đơn vị không áp dụng hình phạt nào với nhà thầu dù có sai phạm.

Ông Jairo Acuno
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên