Ông thẳng thắn cho biết: "Năm trước chúng ta đối thoại về tham nhũng trong y tế, năm nay tiếp tục xúc tiến để tiến hành một cuộc đối thoại mới là tham nhũng trong giáo dục. Vừa qua, phía Việt Nam và các đối tác đã có một số cuộc “tiền đối thoại công khai”, tức một số cuộc hội thảo, trao đổi và điều tra được tiến hành song phương về tham nhũng trong giáo dục. Kết quả cuối cùng chưa thể khẳng định vì còn chờ báo cáo của các bên, nhưng phải công nhận tham nhũng trong giáo dục khá phức tạp".
Phóng to |
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền - Ảnh: Việt Dũng |
* Qua khảo sát, theo ông, thực trạng tham nhũng trong giáo dục đang tồn tại ở những hành vi nào và có ảnh hưởng gì lớn tới xã hội?
- Tại cuộc đối thoại, sẽ có một báo cáo của Bộ Giáo dục & đào tạo và một số cơ quan chức năng, các đối tác đánh giá lại thực trang tham những trên lĩnh vực giáo dục và đưa ra những giải pháp pháp phòng chống. Ngày mai (29-5) sẽ có thống nhất đánh giá về mức độ tham nhũng trong giáo dục. Chúng ta đang quan tâm vào ba lĩnh vực chính, một là tình trạng dạy thêm và học thêm; hai là tình trạng thi cử và ba là việc thu phí. Ba chủ đề này sẽ là ba nội dung lớn để bàn xem mức độ vấn đề đến đâu.
* Vấn đề chạy lớp, chạy trường trên thực tế vẫn diễn ra phức tạp, ít được phanh phui. Theo ông, Bộ GD-ĐT đã có “ba không” nhưng tiêu cực có chuyển biến đáng kể?
- Tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại nhiều. Nhưng những năm qua chúng ta cũng biết Bộ GD-ĐT đề ra rất nhiều các chương trình chống tiêu cực. Đặc biệt phải kể đến chương trình “Ba không”, nói không với một số tiêu cực. Nói chung cũng đạt được những kết quả bước đầu.
Thế nhưng để đánh giá đúng mức thực trạng hiện nay còn phải đối thoại xem qua khảo sát đánh giá cụ thể nó thế nào, bây giờ vẫn chưa nói được mức độ lớn hay nhỏ, ảnh hưởng nhiều hay ít. Nhưng cũng thấy rằng trong những năm qua, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT bước đầu tính hình đã chuyển biến, nhưng chuyển biến chưa mạnh và chưa đủ liều lượng để có thể nói rằng ngăn ngừa được tiêu cực, tham những trong lĩnh vực này. Nói chung dư luận xã hội có nhiều, nhưng đánh giá vấn đề phải có những bằng chứng cụ thể.
* Nhiều quan điểm cho rằng vấn đề “nói không” trong giáo dục chỉ mang tính hình thức, ông nghĩ sao?
- Tôi chưa đánh giá được việc này. Nhưng ban đầu việc nào cũng cần có sự phát động. Ban đầu phát động đương nhiên sẽ rầm rộ. Khi đã đi vào chiều sâu thì bớt rầm rộ là lẽ đương nhiên. Bây giờ theo tôi, chúng ta phải tuyên truyền, phát động từ trong nội bộ ra để từ phát động chuyển thành hành động.
Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong. Khi dấn thân việc này đương nhiên có sự động chạm, sự tác động làm tổn thương. Tôi cho rằng sự tác động có thể đến với cả tổ chức chứ không phải chỉ một cá nhân. Nhưng đặc biệt là cá nhân thì đó là sự va chạm, tổn thương rất lớn. Ngay như bản thân tôi cũng có tác động vào. Chưa nói đã chống tiêu cực, tham nhũng hay chưa nhưng khi tác động vào, đi thanh tra vào chỗ này, chỗ kia, kết luận chỗ này, chỗ kia thì ít hay nhiều đã bị tổn thương về mặt tình cảm, quan hệ, ứng xử với nhau. Với những người yếu thế thì người ta luôn luôn bị tác động tiêu cực. Tức có sự trả thù, trù dập, một sự bài bác… Trần Văn Truyền |
* Việc "người đương thời" Đặng Việt Khoa vừa xin ra khỏi ngành vì thấy bất lực trước thực trạng tiêu cực hiện nay, ông có thể giúp gì hay nói gì với thầy?
- Đã dấn thân phải có sự hi sinh. Tuy có thể mất mát về phía mình nhưng được cho cái chung vẫn nên làm. Trường hợp của thầy Khoa, tôi nghĩ có thể thầy đang thấy mình bị tổn thương nhiều quá nhưng cái chung cũng chưa được bao nhiêu, đặc biệt là sửa những vấn đề tiêu cực này thì thấy vẫn chưa được nhiều.
Cho nên thầy Khoa có thể thấy khó và xin chuyển ngành để đỡ phải dấn thân, để đỡ phải đương đầu. Đây cũng là một cách xử sự. Nhưng tôi nghĩ rằng Đảng và Nhà nước đang khuyến khích chống tham nhũng, chúng ta phải bắt đầu từ các cá nhân.
Bây giờ, chúng ta có hô hào chung, bảo chống tham nhũng mà không ai dám làm gì, bị tổn thương thì chùn chân và không dám làm nữa thì chẳng ai chống được tham nhũng.
* Nhưng phải thừa nhận cơ chế bảo vệ người tố giác tiêu cực ở Việt Nam chưa tốt?
- Đúng là cơ chế bảo vệ những người có công, có thành tích hoặc có một hành động dũng cảm dám tố cáo hoặc dám chống tham nhũng, chống tiêu cực chúng ta chưa có một cơ chế đầy đủ, rõ ràng.
Trong Luật khiếu nại tố cáo chúng ta đã nghiêm cấm các hành vi trả thù, trù dập, trả đũa những người tố cáo. Do đó, vấn đề ở chỗ chúng ta phải thực hiện các luật hiện có cho nghiêm, sau đó chúng ta mới bổ sung bằng những cơ chế tích cực hơn. Nếu họ bị trả thù, trù dập thì cơ quan chức năng phải xem xét và xử lý đến cùng.
Đúng là hiện nay các hành vi trả thù, trù dập rất phức tạp, tinh vi. Chẳng ai nói rằng tôi trả thù anh này, anh kia cả. Những việc trả thù đó, hoặc chúng ta chưa thấy, hoặc thấy rồi nhưng chưa có căn cứ để xử lý. Cho nên, trong cơ chế sắp tới những vấn đề này cần quy định rõ.
Đã triển khai thanh tra đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương Chúng tôi mới triển khai đoàn thanh tra xem xét việc triển khai dự án, việc quản lý đầu tư đoạn cao tốc Trung Lương. Nếu có hành vi tiêu cực, đặc biệt là tham những, quyết toán khống hay thiết kế một đằng làm một nẻo, để làm thất thoát tài sản nhà nước vào cá nhân thì có thể đề nghị khởi tố hình sự. Đây là công tác thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng, thanh tra những công trình trọng điểm quốc gia, những dự án có đầu tư vốn ngân sách lớn và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài lớn. Thanh tra là để đánh giá việc thực hiện có đúng pháp luật, đúng quy trình và đặc biệt là xem nó tạo được kết quả thế nào? Mục đích để đánh giá, nâng cao năng lực quản lý. Dự kiến trong vòng 60 ngày sẽ thanh tra xong và phải chờ khoảng một tháng để kết luận. Tinh thần chung là chúng tôi sẽ làm khẩn trương. Hầu hết các cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ phải đến tháng 9 mới hoàn thành. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận