Thời gian đó chúng ta chưa tham gia Công ước Berne nên vấn đề bản quyền khá thoải mái. Biết tôi yêu nghề nên bạn bè có dịp đi công tác nước ngoài thường tặng sách để tôi có nguồn tài liệu tham khảo mới nhất.
Một hôm, một anh bạn là bác sĩ đang chuẩn bị thi chuyên khoa 1 ghé nhà tôi đưa ra một tập tài liệu photocopy bằng tiếng Anh và nói: “Bọn tôi đang ôn thi chuyên khoa, chuyền tay nhau bản tiếng Anh chuyên ngành này. Không thấy đề tác giả là ai, có lẽ là của nước ngoài, rất hay. Ông tổ chức dịch đi, rồi đưa tôi biên soạn lại cho, in thành sách, đảm bảo sẽ bán được”.
Máu nghề nghiệp và kinh doanh nổi lên, chỉ hai tháng sau, một bản dịch, biên soạn tươm tất ra đời. Giấy in đã mua, giấy phép đã cấp, nhưng không hiểu sao tôi vẫn chần chừ, áy náy. Phải nhờ một người lâu năm trong nghề hiệu đính lại một lần nữa cho chắc ăn, tôi tự nhủ và lần tìm manh mối.
Một tối cuối năm yên ả, mang sẵn theo một khoản tiền, tôi lần tìm đến nhà thầy theo như chỉ dẫn có được. Tiếp tôi là một ông cụ tầm ngoài 70, nhỏ nhắn, gầy gò, duy chỉ có đôi mắt cực kỳ ấn tượng vì rất sáng, quắc thước. Tôi đưa tập bản thảo và trình bày. Thầy điềm tĩnh nghe hết rồi chậm rãi nói: “Đây chính là giáo trình do tôi viết, với mục đích dùng để tham khảo cho các bác sĩ thi vào chuyên khoa 1 trường y thành phố năm nay. Anh dịch ra thế này sẽ làm hỏng sinh viên của tôi. Tôi muốn các em phải tư duy hoàn toàn bằng tiếng Anh, chứ cứ sẵn song ngữ Anh - Việt như thế này, trong tư duy của các em sẽ chậm đi một nhịp, việc học sẽ kém hiệu quả. Tôi không đồng ý cho anh xuất bản đâu, dù anh có trả tôi bao nhiêu tiền đi chăng nữa”.
Tôi chết đứng, ngồi im lặng, rối bời. Sau một lúc, lấy hết can đảm, tôi thẽ thọt trình bày: “Dạ thưa thầy, nếu em mà biết trước là của thầy thì có lẽ đã không xảy ra chuyện này, nhưng vì anh bạn bác sĩ phỏng đoán đây là của một trường y nào đó trên thế giới nên em đã đầu tư để chuyển ngữ, biên soạn lại. Giấy in em đã mua rồi, bây giờ mà thầy không cho xuất bản thì tội cho em quá. Hay là thế này, dù sao đây cũng là kiến thức, thầy cho phép em in một đợt thôi, em sẽ chuyển toàn bộ sách ra bán tại Trường ĐH Y Hà Nội phục vụ sinh viên ngoài đó, thu hồi vốn phần nào, rồi em sẽ hủy bản thảo”. Thầy trầm ngâm, rồi nói: “Tôi không hứa gì với anh cả, anh để số điện thoại lại, có gì tôi sẽ liên hệ sau”.
Tôi ra về mà lòng nặng trĩu, không một chút hi vọng. Đêm nằm mộng mị, nghĩ tiếc công sức và số tiền đã đầu tư cho cuốn sách, nay tất cả đổ ra sông ra biển. Và rồi, một cuộc điện thoại mà tôi mãi mãi không bao giờ quên. Thầy gọi đến: “Nghĩ cũng tội cho anh vì đã mất công sức và tiền bạc, nên tôi đồng ý cho anh in một lần, nhưng phải là sau khi sinh viên của tôi thi xong đợt này. Anh không cần phải chuyển toàn bộ sách ra Bắc bán nữa vì tôi sẽ soạn lại toàn bộ giáo trình này vào kỳ thi sang năm”.
Vì sinh viên mà thầy không tính đến quyền lợi cá nhân của mình, vì thương cái “thằng tôi” mà thầy lại phải vất vả mất thêm công thêm sức... Ôi, nhân cách của một người thầy là như thế đó. Thầy là Hồ Liên Biện - nguyên trưởng bộ môn tiếng Anh Trường đại học Y dược TP.HCM.
Mục “Giáo dục dưới mắt mọi người”’ từ ngày 25-11 đã nhận được bài của các tác giả: Nguyệt Nguyệt, Hùng Thoa, Cao Long (Hà Nội), Đào Khuê, Đào Thọ (Nghệ An), Thu Hiền (Đà Nẵng) Nguyễn Thành Giang (Quảng Nam), Trần Thị Giao Thủy (Nha Trang), Trần Văn Tám, Lê Đặng, Hoàng Thảo, Nguyễn Đước, Lưu Đình Long, Thái Hoàng, Đoàn Tiến Thụy Hiền (TP.HCM), Lan Hương (Đồng Nai), Nguyễn Hữu Nhân, Trần Trọng Trung (Đồng Tháp), Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Thành Công (Bạc Liêu) cùng các bạn đọc Phạm Thế Huy, Lê Chiến Thắng, Lê Mạnh Tùng... Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài cho chuyên mục qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn và báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Tuổi Trẻ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận