28/09/2019 10:17 GMT+7

Nhạc Việt tìm về vốn cổ

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Khuynh hướng khai thác âm nhạc dân gian, tín ngưỡng dân gian hay đưa chất liệu văn hóa của các dân tộc thiểu số vào sản phẩm âm nhạc cho thấy nhạc Việt đã và đang có một cuộc tìm về vốn cổ trong văn hóa dân tộc.

Nhạc Việt tìm về vốn cổ - Ảnh 1.

Hàng trên, từ trái qua: ca sĩ Tân Nhàn trong MV Cô đôi Thượng Ngàn, Thu Hằng trong MV Nhà em ở lưng đồi. Hàng dưới, từ trái qua: Bích Phương trong MV Nói thương nhau đừng làm trái tim em đau và ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong MV Để Mị nói cho mà nghe - Ảnh từ MV

Kể từ sau chiến thắng của Hoài Lâm trong Gương mặt thân quen 2014 với hai tiết mục ở vòng chung kết là hóa thân thành nghệ nhân Hà Thị Cầu và nghệ sĩ Thanh Nga, có thể nói đưa âm nhạc dân gian lên truyền hình thực tế đã trở thành mốt.

"Tôi cho đây là xu hướng rất thú vị, ít nhất các bạn trẻ đã có ý thức tìm về với văn hóa nguồn cội của dân tộc. Văn hóa của mỗi dân tộc Việt Nam là một trái núi lớn, các bạn trẻ hãy học cách trèo lên trái núi đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Hoàng Thuỳ Linh hát Để Mị nói cho mà nghe

Giải trí hóa Cô đôi Thượng Ngàn

Trong vài năm trở lại đây, tác phẩm hát văn Cô đôi Thượng Ngàn trở nên rất "hot". Hiện tượng Cô đôi Thượng Ngàn "phủ sóng" khắp các sân khấu lớn nhỏ, vào truyền hình thực tế, xuất hiện trong MV của các ca sĩ pop...

Không chỉ ca sĩ dòng dân gian như Tân Nhàn hay thí sinh Sao Mai lấy tác phẩm Cô đôi Thượng Ngàn làm MV, biểu diễn trong live show; ban nhạc Ngũ Cung còn rock hóa tác phẩm, ban nhạc Ngọt lấy giai điệu của khúc hát văn này để ngân nga. Trên YouTube hiện có rất nhiều bản Cô đôi Thượng Ngàn đã được... remix.

Trang phục rực rỡ, âm nhạc bắt tai và cái sự vừa lạ lẫm vừa thân quen của Cô đôi Thượng Ngàn đã trở thành một lựa chọn để người dự thi gây ấn tượng với công chúng trong một loạt chương trình: Giọng hát Việt nhí, Vietnam’s got talent, Tuyệt đỉnh song ca...

Nhạc Việt tìm về vốn cổ - Ảnh 4.

Ca sĩ Tân Nhàn trong MV Cô đôi Thượng Ngàn

Bên cạnh việc khai thác tín ngưỡng dân gian là xu hướng "vay mượn" yếu tố văn hóa của các dân tộc thiểu số đưa vào hình ảnh các MV ca nhạc. Mấy năm trước có MV Tình yêu màu nắng của Đoàn Thúy Trang, trong đó rapper BigDaddy đã rap bằng ngôn ngữ của người Thái.

Gần đây có MV Nói thương nhau đừng làm trái tim em đau mà người hát là Bích Phương hóa thân thành một cô gái mơ thấy mình lạc vào gia đình dân tộc Dao.

Trong MV Để Mị nói cho mà nghe, Hoàng Thùy Linh hóa thân thành nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, đưa khán giả tới thăm các nhân vật trong tác phẩm văn học Việt Nam.

Nối tiếp MV này, cô tung ra MV Tứ phủ - một sản phẩm gây tranh cãi khi cô hóa thân thành một thánh nữ đã "vùi mình vào chốn linh thiêng" nhưng lòng vẫn vấn vương bụi trần, với những điệu vũ gợi nhớ đến tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nhạc Việt tìm về vốn cổ - Ảnh 5.

ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong MV Để Mị nói cho mà nghe

Vay không sao, thái độ vay mới quan trọng

Hành trình đi tìm vốn cổ trong văn hóa dân tộc là một cuộc phiêu lưu. Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê khi đàn và hát tiếng Mông có thể khiến người Mông khóc vì xúc động. Hoàng Thùy Linh có thể rất được người Kinh ưa chuộng, nhưng cũng có thể khiến người Mông chau mày vì Để Mị nói cho mà nghe.

Trong MV Nhà em ở lưng đồi hay MV Nói thương nhau đừng làm trái tim em đau, phong cảnh và cư dân nơi ca sĩ làm bối cảnh thực sự chỉ góp phần làm nền cho ý tưởng là lạ của ca sĩ. Tương tự MV Để Mị nói cho mà nghe là sự pha trộn văn hóa của rất nhiều vùng miền.

Nhạc Việt tìm về vốn cổ - Ảnh 6.

Thu Hằng trong MV Nhà em ở lưng đồi

Những người dân tộc thiểu số khi được hỏi về những sản phẩm mang màu sắc văn hóa của dân tộc mình đã có ý kiến khác nhau.

Anh Giàng A Bê (dân tộc Mông) - thành viên nhóm Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số - nhận xét: "Có thể mọi người thấy hay nhưng từ góc độ văn hóa, tôi cảm thấy hơi buồn cười khi xem MV Để Mị nói cho mà nghe.

Phụ nữ Mông không ăn mặc như thế, cũng không nhảy múa như thế. Việc vay mượn văn hóa của người Mông để làm MV là chuyện bình thường, vấn đề ca sĩ sử dụng như thế nào mới đáng quan tâm. Khi mọi người vay mượn văn hóa của dân tộc khác, cũng nên tìm hiểu văn hóa đó có ý nghĩa gì với cộng đồng dân tộc đó, thay vì chỉ vay mượn văn hóa để tạo cảm giác mới lạ cho sản phẩm của mình".

Anh Trượng Văn Sô (người Chăm ở Ninh Thuận, cũng là thành viên nhóm Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số) cho biết thêm nhóm nhiều lần lên tiếng về trang phục dành cho các vũ công múa apsara trong các tiết mục múa do người Kinh dàn dựng vì hở quá nhiều da thịt.

"Tôi nghĩ việc các ca sĩ người Kinh đưa văn hóa của các dân tộc khác vào MV rất đáng khuyến khích, vì đó là một cách để văn hóa các tộc người khác được biết đến nhiều hơn.

Tuy nhiên cách chuyển tải cần có sự phù hợp về văn hóa. Nếu không tìm hiểu kỹ làm ra sản phẩm phản cảm sẽ gây bức xúc cho cộng đồng người dân tộc thiểu số" - anh Sô nói.

Nhạc Việt tìm về vốn cổ - Ảnh 7.

Bích Phương trong MV Nói thương nhau đừng làm trái tim em đau

Lội ngược dòng, nghệ sĩ tìm gì?

Việc quay trở lại với âm nhạc dân gian vốn mang đậm bản sắc riêng của mỗi dân tộc là một xu hướng toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Tại Việt Nam, thế hệ nhạc sĩ Phó Đức Phương, An Thuyên, Nguyễn Cường, Trần Tiến... đã rất thành công trong việc khai thác âm nhạc dân gian của các vùng miền.

Thế hệ sau như Quốc Trung, Lưu Hà An, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Thiên Hương... đã nối tiếp phát triển một nhánh riêng gọi tên là dân gian đương đại.

Khu vực âm nhạc thể nghiệm, đương đại của Việt Nam hiện nay thì càng phong phú và xuất hiện nhiều nghệ sĩ tài năng. Có những người được đào tạo bài bản về âm nhạc dân tộc sau khi du học về đã mở ra một không gian sáng tạo đầy mới mẻ.

Như nhạc trưởng tài năng Đồng Quang Vinh, ngoài chỉ huy dàn nhạc anh còn dàn dựng chương trình, tham gia biểu diễn như một nghệ sĩ sáo trúc hoặc đàn t'rưng. Anh là người thành lập ban nhạc Sức Sống Mới chuyên diễn tấu các nhạc cụ được chế tác từ tre nứa như k'lông pút, sáo trúc, t'rưng, ching'ram, đinh pá... Anh cũng là người chuyển soạn các bản nhạc quen thuộc của phương Tây cho nhạc cụ dân tộc.

Hay như Ngô Hồng Quang, anh có khả năng sáng tác, chơi hàng chục nhạc cụ, hát rất hay và đam mê biểu diễn.

Những nhạc cụ dân tộc, những làn điệu chèo, quan họ, xẩm... vào tay Ngô Hồng Quang vẫn giữ được chất, mặt khác lại mang một tinh thần đương đại. Ngược lại, có những người được đào tạo làm âm nhạc đương đại như Lương Huệ Trinh đã tìm về với âm nhạc dân gian của Việt Nam.

Đuối đề tài hay Việt hóa âm nhạc đại chúng?

Xu hướng khai thác những yếu tố tín ngưỡng dân gian hay văn hóa các tộc người đã xuất hiện từ lâu, thậm chí từ cả thế kỷ trước. Người Việt Nam sáng tạo âm nhạc khai thác yếu tố bản địa giới thiệu ra thế giới cũng có những gương mặt nổi bật như nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo, nhạc sĩ Nguyên Lê...

Có hai điều nhìn nhận từ xu hướng này. Một là, nó thể hiện sự đuối đề tài, sự nhàm chán, lối mòn của âm nhạc đại chúng và việc có thêm những yếu tố mới mẻ là một nhu cầu. Hai là, nó đang hình thành một khuynh hướng mới thể hiện rõ nét hơn nữa yếu tố Việt hóa vào âm nhạc đại chúng vốn có xuất xứ từ phương Tây.

Nếu là ở điều thứ nhất thì việc khai thác tín ngưỡng dân gian hay văn hóa của dân tộc thiểu số vào tác phẩm chỉ là giải pháp làm nổi bật nhóm nghệ sĩ trước một biển những sản phẩm cùng thể loại đang ở độ bão hòa. Nếu ở dạng thứ hai, đó là một tín hiệu hết sức đáng mừng cho nền nghệ thuật đại chúng Việt Nam vốn ngay từ gần một thế kỷ trước, các thế hệ nhạc sĩ từng bước bản địa hóa hướng tới một nền nghệ thuật đại chúng mang đậm nét Việt. Hành trình này bị thách thức trong gần hai thập kỷ trở lại đây, khi nền âm nhạc đại chúng lại đứng trước một cuộc "đổ bộ" mới tạm gọi là thứ âm nhạc phiên bản Việt của âm nhạc Mỹ, Hàn Quốc...

Việc khai thác yếu tố truyền thống dân tộc (tâm linh, tộc người thiểu số) ở cả hai khía cạnh đều chứa đựng sự tích cực, cần khuyến khích các nhóm nghệ sĩ trẻ tiếp tục triển khai. Song cần nhìn nhận thẳng thắn, để thực sự "nhuyễn" và trở thành một thứ gì đó được định hình đòi hỏi phải có một tầm tri thức về văn hóa, bên cạnh sự hiểu biết về âm nhạc và sự thức thời của tuổi trẻ. Và để bồi đắp được điều này, không gì có thể thay thế được việc học hỏi, đam mê tìm tòi, sáng tạo.

Nguyễn Quang Long (N.Diệp ghi)

Vũ Cát Tường: âm nhạc Việt thiếu một hệ thống hỗ trợ bài bản Vũ Cát Tường: âm nhạc Việt thiếu một hệ thống hỗ trợ bài bản

Bên lề Beyond The Music - sự kiện âm nhạc quốc tế, mang tính chuyên môn cao được Spotify tổ chức tại TP.HCM, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã có buổi gặp gỡ với nghệ sĩ Vũ Cát Tường và đại diện Spotify.


NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên