Phân loại rác thải trước khi xả ra môi trường để đảm bảo môi trường bền vững - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Chuyện ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
119 tổ tự quản bảo vệ môi trường của xã Bình Chánh chính thức hoạt động sau lễ ra mắt chương trình "Quản lý môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng" do Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) TP.HCM và UBND huyện Bình Chánh tổ chức sáng 25-8.
Cộng đồng là trọng tâm
Theo ông Trần Nguyên Hiền - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TP.HCM, rác thải trong sản xuất và rác thải sinh hoạt hằng ngày nếu không thu gom và xử lý đúng cách sẽ thành nguồn ô nhiễm môi trường sống.
"Chương trình Quản lý môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng với các tổ tự quản sẽ vận động dân giữ vệ sinh môi trường, quét dọn đường phố, trồng và chăm sóc cây xanh, cải tạo vườn, phát triển cảnh quan xanh sạch đẹp..." - ông Hiền nói.
Tổ tự quản sẽ vận động, tuyên truyền các hoạt động bảo vệ môi trường, trước tiên từ những việc đơn giản như: không xả rác, bỏ rác đúng nơi quy định và đúng giờ... Cùng đó, các tổ tự quản sẽ có những hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường được tổ chức theo từng tuần, từng tháng...
Tổ tự quản sẽ giám sát, nhắc nhở những hành vi vi phạm liên quan đến vệ sinh môi trường, kịp thời báo cho cơ quan chức năng khắc phục, xử lý... Hằng năm sẽ có thi đua giữa các tổ, có khen thưởng. Sở TN-MT sẽ tổng kết, hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện và nhân rộng mô hình ra nhiều huyện TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Ca (62 tuổi) - tổ trưởng tổ tự quản bảo vệ môi trường của tổ 11, ấp 2, xã Bình Chánh - cho biết: "Ở đây, bà con đã ý thức vệ sinh môi trường tốt hơn trước nhiều, rác đã để đúng nơi quy định, đúng giờ giấc thỏa thuận. Ngay sau buổi ra mắt này, tôi sẽ về tuyên truyền cho bà con về việc xử lý rác, cùng giữ vệ sinh chung ở địa phương, các buổi sinh hoạt tổ dân phố sẽ có thêm nội dung về môi trường".
Những cam kết ở tổ tự quản
* Không tiểu tiện bừa bãi; không vứt rác, xác động vật ra nơi công cộng. Không thả rông để vật nuôi phóng uế ra đường, hẻm.
* Đăng ký thu gom rác và trả phí theo quy định.
* Phân loại rác tại nguồn, giao đúng giờ, đúng nơi.
* Hệ thống thoát nước từng gia đình đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm không khí và nguồn nước xung quanh.
* Các hộ kinh doanh ăn uống phải trang bị thùng rác có nắp, thường xuyên quét dọn, không gây mất vệ sinh môi trường.
* Các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, thu gom rác, xử lý nước thải...
Người dân là nòng cốt
Việc giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ trong nhà mình mà còn phải có ý thức với những nơi công cộng. "Khi được nhắc nhở, bà con ai cũng dọn dẹp sạch đẹp sân nhà mình. Tuy nhiên, nhiều nơi công cộng thành bãi rác tự phát vì mọi người vẫn còn thói quen quăng rác nơi công cộng. Lâu lâu, tổ dân phố vận động bà con đi gom lại đốt. Cùng nhau làm sạch đẹp khu phố, xóm ấp của mình, người dân sẽ có ý thức vệ sinh "từ nhà ra phố" mới có thể giữ gìn môi trường chung xanh - sạch - đẹp được" - một thành viên tổ tự quản nêu ý kiến.
Với vai trò của mình, các tổ tự quản vận động người dân không xả rác bừa bãi, giao rác đúng giờ, không để rác ngoài đường gây mất mỹ quan, mất vệ sinh, vận động bà con cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tổ tự quản cũng sẽ giám sát, nhắc nhở người có hành vi gây mất vệ sinh, báo với chính quyền xử lý nhanh những điểm ô nhiễm do rác thải.
Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh - phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TP.HCM - cho biết đã có nhiều mô hình vận động nhân dân bảo vệ môi trường, trong đó mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường sẽ kết nối cộng đồng cùng bảo vệ môi trường.
"Bảo vệ môi trường cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhiều cơ quan, đoàn thể. Trong đó, quan trọng nhất là vai trò của cộng đồng dân cư. Người dân là nòng cốt của chương trình này. Sở TN-MT sẽ có những giải pháp song song như: tăng cường giám sát, nhắc nhở, xử phạt những vi phạm vệ sinh môi trường... Vì mục tiêu chung là giữ gìn TP xanh sạch đẹp" - bà Thanh nói.
Chương trình này hiện cũng đang thực hiện ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ và đã có những chuyển biến rất tích cực.
TP.HCM: nhiều giải pháp chống biến đổi khí hậu
Sở TN-MT TP.HCM cho biết TP đang triển khai nhiều giải pháp để chống biến đổi khí hậu. Năm 2020 sẽ hoàn thiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn toàn TP, tái chế chất thải, giảm chất thải. TP sẽ tăng cường chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kiểm soát các loại bệnh lây nhiễm nhạy cảm với khí hậu...
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), TP.HCM trong tốp 10 TP trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Mưa, triều cường, ngập nước tác động xấu đến môi trường sống. Thành lập tổ tự quản, cùng ý thức bảo vệ môi trường cũng là giải pháp giảm tác hại biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận