Vở nhạc kịch Sóng lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thật của nữ sĩ Xuân Quỳnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhạc kịch Sóng (biên kịch: Kim Thùy, đạo diễn sân khấu: Đào Duy Anh, đạo diễn nhạc kịch: Nguyễn Triều Dương; tổng đạo diễn: NSƯT Cao Ngọc Ánh) được Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng và đã công diễn tại Hà Nội hồi tháng 3.
Sóng là vở nhạc kịch thuần Việt được nhà hát chuẩn bị các khâu từ kịch bản, viết nhạc, lựa chọn diễn viên có khả năng vừa diễn xuất, nhảy múa và ca hát, tập luyện… mất khoảng 2 năm.
Vở được chia ra 2 phần. Phần đầu là giai đoạn Xuân Quỳnh trong độ tuổi 18, là một diễn viên múa được đi biểu diễn tại Liên Xô, rồi cô nảy sinh tình yêu với anh nhạc công Trọng Khoa. Quỳnh thích làm thơ và thơ của cô nhanh chóng được nhà xuất bản chào đón và xuất bản, từ đó cô đi theo con đường viết lách.
Cô kết hôn với Trọng Khoa, sinh con. Nhưng cuộc sống khó khăn, mâu thuẫn nảy sinh khiến họ chia tay.
Phần 2 là khi Quỳnh đến với Đăng Dương, một nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng. Cuộc sống cũng thăng trầm trong ngôi nhà chật hẹp với 3 đứa con nhưng với Quỳnh: "Sống có khát vọng và ước mơ, đó là hạnh phúc!".
Nhạc kịch Sóng có sự tham gia của trên 60 nghệ sĩ, trong đó có 24 nhạc công trong dàn nhạc bán cổ điển chơi nhạc sống suốt vở.
Các ca khúc trong vở phần nhiều được viết từ lời thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (trong vở là nhân vật Đăng Dương), kể cả những câu thoại. Có thể kể ra những bài thơ của Xuân Quỳnh đã được sử dụng như: Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Mắt của trời xanh, Nhà chật…
Có lẽ không ít khán giả đến với đêm nhạc kịch bởi mê đắm với những dòng thơ trữ tình đầy khát vọng sống, đầy khát khao tình yêu của Xuân Quỳnh. Thế nhưng hình ảnh Xuân Quỳnh trong tâm tưởng của bao người yêu thơ bà được khắc họa trong vở khá mờ nhạt, người xem cảm giác như nhân vật trên sân khấu chỉ đơn thuần là một người phụ nữ làm công việc viết lách bình thường.
Trong thời lượng khoảng 2 tiếng, Sóng không tạo được điểm nhấn, không đủ sức hút để cuốn người ta vào mạch vở diễn. Các ca khúc rất nhiều, nhất là phần 2 nghệ sĩ hát liên tục nhưng âm nhạc không đủ đắt để đẩy cảm xúc người xem mà chỉ làm loãng vở diễn, khiến người xem cảm giác lê thê. Có nhiều cảnh gây cảm giác thừa và khá vụng như đoạn hát về hậu đài, âm thanh, ánh sáng; cảnh quan tòa xuất hiện khi Xuân Quỳnh và Trọng Khoa ly hôn…
Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf - xem vở cứ chắt lưỡi tiếc: "Tôi thấy trang phục, cảnh trí chưa được chăm chút để người ta sống lại ký ức thời đó. Cả không gian thời bao cấp, tem phiếu cũng thể hiện khá sơ sài nên không đủ sức gợi, tạo cảm xúc cho người xem".
Bà Cao Ngọc Ánh - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - tâm sự, dù biết rằng con đường làm nhạc kịch thuần Việt rất nhọc nhằn nhưng nhà hát vẫn đang nỗ lực để có một lối đi mới. Mong rằng sau Sóng, nhà hát sẽ rút kinh nghiệm để những dự án sắp tới sẽ thành công và giàu cảm xúc hơn.
Xuân Quỳnh thích làm thơ và thơ của cô nhanh chóng được nhà xuất bản chào đón và xuất bản
Ước mơ và tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh được tái hiện trong nhạc kịch Sóng
Xuân Quỳnh 18 tuổi, khát khao trở thành nhà thơ, có tình yêu đầu trong sáng tươi đẹp với chàng nhạc công Trọng Khoa
Sóng được Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng với phong cách hiện đại, sử dụng các kỹ thuật sân khấu mới, kỹ xảo hiện đại
Khi lý tưởng ước mơ bị ngăn trở bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền, Xuân Quỳnh và Trọng Khoa quyết định đường ai nấy đi vì không thể tìm tiếng nói chung
Xuân Quỳnh đến với Đăng Dương và có cuộc sống hạnh phúc trong căn nhà tuy nhỏ bé và chật chội
Xuân Quỳnh trong tâm tưởng của bao người yêu thơ bà được khắc họa trong vở kịch khá mờ nhạt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận