Tối 22-11, tại TP.HCM diễn ra buổi tọa đàm Di sản nhạc Trịnh: Hơi thở mới và sự kết nối thế hệ, do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam phối hợp cùng Đại học Fullbright tổ chức.
Diễn giả gồm hai thành viên trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh và Nguyễn Trung Trực cùng hai ca sĩ Dương Tấn Sơn, Lê Viết Thu.
Ca sĩ Dương Tấn Sơn biểu diễn tại buổi tọa đàm - Video: THƯỢNG KHẢI
Ủng hộ giới trẻ làm mới nhạc Trịnh Công Sơn
Nhạc Trịnh Công Sơn là một trong những di sản âm nhạc lớn nhất của Việt Nam, không chỉ vì giá trị nghệ thuật mà còn vì tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hóa và tâm hồn người Việt qua nhiều thế hệ.
Sự đặc biệt của nhạc Trịnh nằm ở ba yếu tố chính: ngôn ngữ, tinh thần nhân văn, và sự gắn kết với lịch sử xã hội Việt Nam.
Ca sĩ Dương Tấn Sơn là người gắn bó hơn hai thập kỷ với nhạc Trịnh Công Sơn và là thành viên của nhóm Du ca Trịnh Công Sơn. Anh cho biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ là bậc thầy trong việc viết tình ca, mà còn là người kể lại những câu chuyện về chiến tranh và thân phận con người.
Âm nhạc của ông mang đến sự an ủi, như một liều thuốc xoa dịu những nỗi đau của nhân thế.
Nhạc Trịnh luôn tràn đầy tình yêu thương đối với con người và cuộc sống, kể cả trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt.
Những bài hát như Nối vòng tay lớn, Hãy yêu nhau đi hay Để gió cuốn đi không chỉ kêu gọi hòa bình mà còn khuyến khích sự đoàn kết và đồng cảm giữa con người.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh nhận định: "Qua từng giai đoạn, qua từng thế hệ sẽ có những cách hát khác nhau. Bây giờ, giới trẻ làm mới những bản nhạc Trịnh rất thú vị.
Với cương vị là em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi luôn dang tay đón nhận sự sáng tạo của giới trẻ như ca sĩ Hà Lê ra mắt MV Diễm xưa theo phong cách R&B".
Ông Nguyễn Trung Trực và bà Trịnh Vĩnh Trinh ủng hộ người trẻ làm mới nhạc Trịnh Công Sơn - Ảnh: THƯỢNG KHẢI
Còn ông Nguyễn Trung Trực bày tỏ niềm vui vì hai concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi cháy vé chỉ vài tiếng đồng hồ, áp đảo các concert quốc tế hay K-pop tổ chức tại Việt Nam.
"Tôi ấn tượng với chương trình Rap Việt, khi các bạn trẻ dám làm mới bài Cát bụi, Một cõi đi về... Gần đây nhất là Anh trai vượt ngàn chông gai chơi lại bài Trống cơm, Mẹ yêu con được khán giả trẻ yêu thích.
Tôi tin không lâu nữa, nhạc Trịnh Công Sơn sẽ được giới trẻ làm mới theo cách đó. Tôi và gia đình luôn khuyến khích những tài năng trẻ hát nhạc Trịnh theo cách của mỗi người" - ông Trực tâm sự.
Hát đi đôi với hiểu nhạc Trịnh Công Sơn
Theo ca sĩ Dương Tấn Sơn, để hát nhạc Trịnh đúng và đủ không khó, nhưng để hát hay và có chất riêng đòi hỏi mỗi người phải có tư duy, tìm tòi và học hỏi từ các tiền bối.
Tấn Sơn không cảm thấy ngạc nhiên khi giới trẻ làm mới nhạc Trịnh, bởi từ năm 1970 có tân cổ giao duyên, nhạc Trịnh được dùng hát một vài câu sau đó hát cải lương. Đơn cử như Cát bụi, Một cõi đi về, Biển nhớ, Hạ trắng... qua giọng ca của NSND Bạch Tuyết.
"Dù là rap, cải lương, điện ảnh, kịch hay múa đương đại, nhạc Trịnh luôn là kho tàng, nguồn cảm hứng để chúng ta đào sâu, khai thác. Đây là cách thế hệ sau bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc của Việt Nam".
Còn ca sĩ Lê Viết Thu cho hay: "Có cơ hội hát nhạc Trịnh Công Sơn là điều may mắn đối với tôi. Để hát nhạc Trịnh ai cũng hát được, nhưng để cảm được và truyền tải cái hồn trong từng ca từ, từng giai điệu thì không phải ai cũng làm được.
Khi tìm tòi kỹ, mỗi người chúng ta sẽ thấy ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn đều mang một ý nghĩa và tinh thần rất lớn của dân tộc Việt Nam".
Bàn về những khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn di sản nhạc Trịnh trong thời đại số, ca sĩ Tấn Sơn nói: "Công nghệ dù phát triển đến đâu thì con người khác máy móc ở chính trái tim và nhạc Trịnh sẽ luôn là phương tiện cho những ai muốn tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn".
Học Việt Nam, hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam!
Tiến sĩ Nguyễn Nam - một trong những giảng viên trụ cột của ngành Việt Nam học tại Trường đại học Fulbright Việt Nam - chia sẻ:
"Không đơn thuần là làm mới, tôi muốn các bạn trẻ hát nhạc Trịnh Công Sơn với sự hiểu biết sâu sắc. Đây sẽ là sự chuyển giao thế hệ, sự kế thừa di sản âm nhạc của Việt Nam.
Ông hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm mới nhạc của nhiều nhạc sĩ khác của Việt Nam. Không chỉ riêng ở đại học âm nhạc, mà các nhạc sĩ Việt Nam đều xứng đáng có một vị trí ở bất kỳ trường đại học nào.
"Bởi vì đó là một phần của nước ta. Tinh thần chúng tôi đang muốn hướng tới là học Việt Nam, hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam" - ông khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận