05/07/2018 13:13 GMT+7

Nha Trang phân luồng chưa đạt

P.S.NGÂN
P.S.NGÂN

TTO - Hai năm liền Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa phải xin xét tuyển bổ sung học sinh rớt lớp 10 thành đậu. Nguyên nhân có phải chỉ do số học sinh tăng?

Nha Trang phân luồng chưa đạt - Ảnh 1.

Trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa vừa kiến nghị tỉnh cho xét tuyển bổ sung gần 200 học sinh từ rớt thành đậu kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018 vào các trường công lập ở Nha Trang. Tuy nhiên còn gần 1.700 học sinh "hết đường" vào các trường công lập bởi không còn chỗ (toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 3.400 học sinh).

Đây là năm thứ hai liên tiếp Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa phải xin xét tuyển bổ sung học sinh "rớt thành đậu". Năm 2017, Nha Trang có 1.200 học sinh bị rớt, tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận cho xét tuyển bổ sung 95 chỉ tiêu "rớt thành đậu".

Ông Lê Tuấn Tứ, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, giải thích: số học sinh ở TP Nha Trang đăng ký dự tuyển vào lớp 10 liên tục tăng mạnh, năm nay hơn năm ngoái gần 600 học sinh. Thế nhưng chỉ tiêu cho phép của tỉnh đã giao thì vẫn giữ y nguyên như năm học trước là 3.024 học sinh (không tính Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh).

Một trưởng phòng GD-ĐT của Khánh Hòa cho rằng "không thể đổ hết nguyên nhân do có nhiều học sinh được sinh vào năm "dê vàng" (Quý Mùi 2003) như nhiều cán bộ đã giải thích. Vì quản lý GD-ĐT là phải có kế hoạch dài hạn và hằng năm. Còn học sinh sắp vào lớp 10 thì đã được sinh ra từ mười mấy năm trước".

Theo ông Cao Đình Trung, phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Nha Trang, dân số ở Nha Trang tăng cơ học rất cao. Trong khi đó cũng theo ông Trung, "hầu hết ở các dự án, khu đô thị mới tại TP Nha Trang lại không xây dựng thêm trường lớp mới hoặc có xây nhưng không đủ, đúng quy chuẩn. Vì vậy, học sinh cứ đổ dồn vào các trường công lập hiện có, dẫn đến tình trạng quá tải".

Ông Lê Tuấn Tứ cho biết từ nhiều năm trước, tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường lớp nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được trường THPT công lập ở phía bắc TP Nha Trang tại xã Vĩnh Lương vì chưa có vốn đầu tư.

Hai trường THPT công lập ở khu vực phía tây thành phố, nơi có rất nhiều dự án khu đô thị mới, theo quy hoạch của tỉnh vừa điều chỉnh thì phải từ năm 2021 trở đi mới triển khai xây dựng.

"Việc tăng thêm sĩ số hay lớp học trong các trường THPT công lập hiện có chỉ là "giải pháp tình thế" và "chắp vá". Nhưng quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp mới thì không thuộc thẩm quyền của Sở GD-ĐT" - ông Tứ nói thêm.

Trường công lập thì thiếu, vậy việc phân luồng thì sao? Ông Tứ cho biết đến nay việc phân luồng học sinh học nghề của tỉnh chỉ đạt khoảng 15% số học sinh tốt nghiệp THCS. Tỉ lệ đó tuy có cao hơn nhiều tỉnh, TP khác nhưng vẫn chưa đạt theo quy định (30%), chủ trương của trung ương đã ban hành.

Theo ông Tứ, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là điều kiện và khả năng của các trường nghề hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được nhiều học sinh, trở ngại từ tâm lý xã hội về việc học nghề...

Ngoài ra, Khánh Hòa là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn một số nơi và đặc biệt là có truyền thống giáo dục, học tập. Vì vậy, hầu hết phụ huynh, học sinh đều có tâm lý cố gắng cho con em học tập để có đủ trình độ THPT, học tiếp lên ĐH, CĐ rồi mới "ra đời", làm nghề...

Đó là những vấn đề có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phân luồng đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS của Khánh Hòa hiện nay.

TP.HCM sẽ giảm dần số học sinh vào học lớp 10 công lập TP.HCM sẽ giảm dần số học sinh vào học lớp 10 công lập

TTO - Trước ngày công bố điểm chuẩn lớp 10, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết TP sẽ giảm dần số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập từ nay cho đến năm 2020 để thực hiện công tác phân luồng.

P.S.NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên