
Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C - Ảnh: AFP
Theo báo New York Times ngày 20-4, giới chức ngoại giao Mỹ đang lan truyền nội bộ một văn bản được cho là dự thảo sắc lệnh hành pháp sẽ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký trong tuần tới, liên quan đến việc cải tổ Bộ Ngoại giao nước này.
Bỏ trống gần hết châu Phi
Bản dự thảo trên vạch rõ các thay đổi mang tính cấu trúc lớn tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Một trong những thay đổi lớn nhất là bãi bỏ hoàn toàn các cục chuyên trách các khu vực lãnh thổ.
Nhiệm vụ và chức năng của các cục này sẽ được chuyển cho bốn "khối" (corp), bao gồm: Khối Á - Âu (châu Âu, Nga và Trung Á); Khối Trung Đông (các nước Ả Rập, Iran, Pakistan và Afghanistan); Khối Mỹ Latin (Trung Mỹ, Nam Mỹ và khu vực Caribbean) và Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Đông Á, Đông Nam Á, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Bhutan và Maldives).
Cục các vấn đề châu Phi, vốn phụ trách khu vực châu Phi hạ Sahara, bị bãi bỏ hoàn toàn mà không có một khối nào thay thế. Chức năng, nhiệm vụ của cục này được chuyển cho một văn phòng đại diện nhỏ, báo cáo trực tiếp cho Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng.
Các đại sứ quán và lãnh sự quán "không thiết yếu" ở châu Phi hạ Sahara sẽ bị đóng cửa trước ngày 1-10. Thay vào đó, các phái bộ ngoại giao sẽ được cử đến châu Phi theo các "nhiệm vụ phục vụ mục tiêu cụ thể".
Như vậy, việc cải tổ theo hướng này đúng nghĩa với việc Washington gần như bỏ ngỏ quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi.
Xóa tên nhiều cục và USAID

Số phận USAID còn rất chông chênh khi xuất hiện ngày càng nhiều tin đồn Nhà Trắng muốn xóa bỏ hoàn toàn cơ quan này - Ảnh: REUTERS
Một số cục chuyên trách bị yêu cầu giải thể, bao gồm các cục phụ trách vấn đề dân chủ và quyền con người; vấn đề người tị nạn và nhập cư; việc hợp tác với các tổ chức quốc tế. Chức vụ đặc phái viên phụ trách khí hậu sẽ bị bãi bỏ.
Cục Hỗ trợ nhân đạo sẽ tiếp nhận những phần việc còn lại của Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID), vốn bị đưa về hoạt động dưới quyền Bộ Ngoại giao trong thời gian qua. Như vậy, nhiều khả năng cơ quan này sẽ bị giải thể hoàn toàn sau khi quá trình cải tổ Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn thành.
Chương trình trao đổi học bổng Fulbright cũng bị thu hẹp đáng kể phạm vi theo hướng chỉ dành cho học viên cao học chuyên ngành liên quan đến an ninh quốc gia.
Dự thảo sắc lệnh cũng yêu cầu bãi bỏ kỳ thi sát hạch tuyển dụng nhân viên ngoại giao, đồng thời đề ra các tiêu chí tuyển dụng mới, bao gồm "tuân thủ tầm nhìn chính sách đối ngoại của tổng thống đương nhiệm".
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng được yêu cầu chuyển đổi từ "mô hình luân chuyển toàn cầu kiểu tổng quát, vốn đã lỗi thời và thiếu tổ chức bằng một hệ thống chuyên môn hóa theo khu vực, thông minh và có định hướng chiến lược".
Điều này đồng nghĩa các ứng viên nhân viên ngoại giao sẽ phải chọn khu vực lãnh thổ họ muốn phụ trách ngay từ thời điểm tuyển dụng.
Khả năng đây là tài liệu giả?

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio - Ảnh: AFP
Nhiều đề xuất nêu trong văn bản sẽ yêu cầu sự thông qua của Quốc hội Mỹ và có thể bị cơ quan này chặn lại. Thậm chí, một số nội dung còn có thể bị kiện ra tòa án.
Đáng chú ý, mức độ xác thực của văn bản trên đang bị đặt dấu hỏi. Chính báo New York Times khẳng định vẫn chưa rõ nguồn gốc của văn bản này.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã lên tiếng khẳng định thông tin trên là "tin giả". Tuy nhiên ông Rubio không cung cấp thông tin cụ thể, cũng như chưa có nhân vật nào khác trong chính quyền ông Trump lên tiếng đính chính.
Điều này khiến không ít người đưa ra hoài nghi về tuyên bố trên, đặc biệt khi tài liệu này được lan truyền rộng rãi trong những ngày qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận