20/09/2017 16:48 GMT+7

Nhà sách truyền thống - nơi lưu giữ ký ức từng gắn bó

LAM ĐIỀN - V.V.TUÂN
LAM ĐIỀN - V.V.TUÂN

TTO - Bức tranh về các nhà sách truyền thống đang sáng lên khi Fahasa vừa cán mốc sở hữu 100 nhà sách trên toàn Việt Nam và cuối năm nay Phương Nam sẽ khánh thành hai 'thành phố sách' nữa tại TP.HCM.

Như vậy, sau "thành phố sách" đầu tiên ở Bình Dương, mô hình Book City của Phương Nam đang chứng tỏ hiệu quả bước đầu.

Sách hình thành không gian sự kiện

Chủ nhật vừa rồi (17-9), hàng trăm bạn trẻ đã đến chật kín không gian sách ở Nhã Nam Books N' Coffee Sài Gòn (cà phê sách ở khu Văn Thánh) để dự chương trình The question - "Chuẩn bị gì khi vào đại học?".

Đây là chương trình định kỳ hằng tháng của Nhã Nam, mục đích cùng giới trẻ trau dồi các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Và địa chỉ cà phê sách này  cũng là một minh chứng cho sự phát triển mô hình nhà sách truyền thống.

Khi nhạc sĩ Vũ Thành An về nước ra mắt tập sách Chuyện tình không tên, show ca nhạc của Vũ Thành An được công bố giá vé từ 600.000 đồng đến 3 triệu đồng. Nhưng buổi ra mắt sách của Vũ Thành An tại Đường sách TP.HCM lại là một show miễn phí. 

Thật ra, "yếu tố sự kiện" tại các nhà sách truyền thống vốn được các "ông trùm" trong giới nắm bắt và phát huy như một cách kéo bạn đọc đến với nhà sách. 

"Đến nhà sách còn là một sự trải nghiệm. Ở đó, trẻ em được tặng quà dịp cuối tuần, ba mẹ chụp hình cùng con cái, dự các chương trình giao lưu và không gian sách thân thiện cùng với đội ngũ hỗ trợ nhiệt tình là những yếu tố mà không có kênh phát hành online nào đáp ứng được" ông Phạm Minh Thuận, tổng giám đốc Fahasa, nhận định.

Với tôi, đọc sách giấy truyền thống thì có thể suy nghĩ trong lúc đọc

 Đến nhà sách không chỉ để check in

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên sau nhiều ngày quan sát tại các nhà sách đã rút ra nhận định rằng: không gian các nhà sách hiện đại bây giờ còn là nơi để giới trẻ đến check in.

Theo ông Phạm Minh Thuận, đời sống hiện đại đã rút ngắn khoảng cách trong nhu cầu đời sống tinh thần của giới trẻ. "Hiện nay giữa các vùng miền, giới trẻ có cùng sở thích về thời trang, cùng nắm bắt thông tin và bày tỏ cảm xúc về thần tượng...

Với sách cũng vậy, cho nên chúng tôi xây dựng các nhà sách có cùng đẳng cấp trên toàn hệ thống, bạn đọc vào một nhà sách của chúng tôi ở bất kỳ tỉnh nào cũng đều nhận thấy phong cách phục vụ giống nhau, sự phong phú của các chủng loại sách, khả năng cung ứng sách, các chính sách khuyến mãi... đều như nhau" ông Thuận chia sẻ.

Cũng trong hướng đáp ứng nhu cầu khẳng định "đạt chuẩn" và "trải nghiệm" cho bạn đọc, Phương Nam chọn cách phối hợp với các trung tâm thương mại lớn để bên cạnh các dịch vụ thương mại có sự hiện diện của sách như một nhu cầu không thể thiếu.

"Không chỉ mang phong cách hiện đại, chúng tôi chọn thiết kế sao cho không gian sách bắt mắt người đọc, cả việc sử dụng ánh sáng cho từng khu vực trong "thành phố sách" cũng được tính toán sao cho có điểm nhấn hướng đến từng đối tượng: người lớn, trẻ con...

Đây là không gian tôn trọng sách và người đọc sách, và như vậy nhà sách hiện đại chú trọng việc tạo ra cảm xúc tích cực cho bạn đọc chứ không chỉ là nơi mua bán" ông Nguyễn Hữu Hoạt, tổng giám đốc Công ty Phương Nam nói.

Nhà sách truyền thống - nơi lưu giữ ký ức từng gắn bó - Ảnh 2.

Nhà sách Nhã Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN

Xuất phát điểm đọc sách của người VN thấp, chưa thể đi đến giai đoạn bão hoà nên nhu cầu đến với sách còn lớn. Dân số VN trẻ và nhiều gia đình trẻ ngày càng có nhu cầu dùng sách để giáo dục con. Kinh tế ngày càng khá lên, thu nhập của các gia đình trí thức trẻ ngày càng tốt hơn, nên mua sách là nhu cầu tự thân có thật. Nhà nước ngày càng quan tâm tạo điều kiện cho ngành xuất bản và văn hoá đọc phát triển.Sách số ở VN hiện không áp đảo được sách truyền thống. Truyền thông đang làm tốt vai trò cổ vũ văn hoá đọc. Doanh nghiệp phát hành sách ngày càng phát triển với tính chuyên nghiệp và quy mô hiện đại hơn; nội dung, đề tài sách ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu có thật của người dân một cách nhanh chóng.

Ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nêu 7 lý do của sự phát triển

Khi quầy sách mạng - quầy sách truyền thống song sinh

Bà Quách Thu Nguyệt - phó Giám đốc Công ty Đường sách TP/HCM chia sẻ rằng vài năm gần đây, nhu cầu tiếp cận bạn đọc, xây dựng thương hiệu và làm chủ thị trường đã thúc đẩy nhiều nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân không ngừng nỗ lực xây dựng, mở thêm các nhà sách, các cửa hàng sách tại những thị trường tiềm năng.

Các công ty sách tư nhân vốn năng động, nhạy bén, hơn thế với tiềm lực và sự chủ động về tài chính đã mạnh dạn đầu tư cho các nhà sách với những mô hình thiết kế sáng tạo, thẩm mỹ cùng việc tạo dựng những công năng độc đáo cho một nhà sách đa năng: nhà sách kết hợp với không gian đọc, thư viện, cà phê sách, gallery tranh, ảnh nghệ thuật, thành phố sách…

Đó không chỉ là nơi bán sách mà còn là nơi khách hàng được giao lưu, trao đổi về sách, được thưởng lãm, được phục vụ một cách văn minh, lịch sự trong một không gian văn hóa nghệ thuật, thẩm mỹ, tạo cảm giác gần gũi, thoải mái, dễ chịu, thú vị.

Bà Nguyệt cũng khẳng định khách hàng đến nhà sách có những cảm xúc khi được cầm trên tay, lật từng trang sách, đọc thử trước khi quyết định mua... nên bạn đọc không chỉ thích mà còn yêu không gian nhà sách và mong muốn có dịp quay trở lại.

Cuối năm 2015, có một sự kiện bất ngờ, "ông trùm" Amazon sau gần 20 năm thành công với siêu nhà sách trên mạng đã quay ngược trở lại bằng việc mở nhà sách "thực" đầu tiên ở Seattle (Mỹ). Cùng lúc, mọi người nhận ra rằng sách giấy sẽ không bị "khai tử" mà cùng tồn tại song hành với sách điện tử.

Người ta đang nhắc nhiều đến thuật ngữ "click & brick" (mô hình kinh doanh kết hợp yếu tố bán hàng truyền thống và trực tuyến) thì tại Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh sách, các nhà sách bán lẻ đã và đang cố gắng đổi mới và cải tiến không ngừng để tồn tại, phát triển song hành cùng với nhà sách trên mạng như hai chị em song sinh...

Nhà sách truyền thống - nơi lưu giữ ký ức từng gắn bó - Ảnh 4.

Đồ họa: N.KH.

Việc tồn tại các nhà sách độc lập như vậy còn là một phần của đời sống. Hãy hình dung một cậu bé hồi tiểu học đến tìm mua và đọc sách trong một nhà sách quen thuộc, những năm trung học cậu ta và bạn bè cũng đến nhà sách ấy như một nơi hẹn hò và tìm kiếm niềm vui, rồi lớn lên có thể cậu bé ấy đi du học, đi làm việc xa, đến một lúc về lại thành phố ấy cũng gặp lại nhà sách ấy, góc đọc sách ấy của những ngày xa xưa... Nhà sách trở thành nơi lưu giữ ký ức của những cư dân từng gắn bó, là một phần tất yếu nuôi dưỡng tâm hồn con người.

Ông Dương Thanh Hoài - phó giám đốc Công ty sách Nhã Nam

Cảm xúc riêng và nơi lưu giữ ký ức

Như vậy, liệu sự trỗi dậy của các kênh thương mai điện tử bán sách qua các mạng, qua các app trên thiết bị cầm tay có triệt tiêu sách truyền thống? 

Câu trả lời từ ông Phạm Minh Thuận là thị trường thế giới đã chứng kiến sự nổi lên của sách điện tử từ khoảng năm 2007 đến 2010, nhưng đến năm 2012 thì sách giấy truyền thống đã phục hồi mạnh mẽ. 

Ông Thuận cho rằng hiện nay sách điện tử (eBook) và sách truyền thống đang tồn tại song hành chứ không triệt tiêu nhau. Từ phía người đọc, ông ghi nhận sách điện tử được giới trung niên ưa chuộng, trong khi sách giấy lại có đất sống với trẻ em và người già.

Còn ông Nguyễn Hữu Hoạt tin rằng các nhà sách truyền thống vẫn phát triển và là điểm đến cho bạn đọc trong tương lai: 

"Bằng chứng là trong khu vực, tại những thị trường phát triển, hiện đại như Hàn Quốc, Đài Loan... họ vẫn có các nhà sách truyền thống rất phát triển.

Ở Đài Loan có cả nhà sách hoạt động 24/24 để đáp ứng nhu cầu bạn đọc mua sách vào ban đêm sau các ca làm việc. 

Những ai bận rộn tất nhiên sẽ mua sách qua mạng, nhưng việc đến nhà sách là một cảm giác khác, có cảm hứng riêng và gắn với tâm hồn con người, nên tôi tin các nhà sách truyền thống sẽ còn phát triển".

LAM ĐIỀN - V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên