21/02/2019 15:08 GMT+7

Nhà ở xã hội : 'Đầu vào không có, đầu ra cũng không'

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam chỉ ra rằng quỹ đất không thiếu, mà thiếu vốn cho doanh nghiệp xây nhà và thiếu tiền để người dân mua nhà.

Nhà ở xã hội : Đầu vào không có, đầu ra cũng không - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương - Ảnh: NAM TRẦN

Tại hội thảo "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030" diễn ra vào sáng 21-2, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng hai điều cơ bản để xây dựng chính sách phát triển nhà ở xã hội là quỹ đất và tiền phải được đặc biệt quan tâm.

Ông Nam phân tích xu thế phát triển nhà ở, bất động sản ở VN trong 20 năm qua rất mạnh mẽ. 

"Mỗi năm diện tích nhà ở/ đầu người tăng 1m2. Đến nay trung bình mỗi người có 25m2 nhà ở. Chất lượng nhà ở thay đổi rõ rệt, nhà ở kiên cố, khu đô thị, khu chung cư to đẹp hơn, hiện đại hơn", ông Nam nói.

Tuy nhiên, ông Nam cũng chỉ ra thị trường bất động sản phát triển không cân đối, chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp, nhà ở quy mô lớn… còn hơn 70% người dân không tiếp cận được với nhà ở.

"Theo số liệu, trung bình mỗi người sở hữu 25m2 nhà ở, nhưng trên thực tế có những người sở hữu hàng trăm căn nhà, còn lại những người chỉ có trung bình 6m2 nhà ở lại rất nhiều. Khoảng hơn 1 triệu người vẫn phải ở những ngôi nhà có trung bình dưới 6m2", ông Nam nhận định.

Về cơ chế, chính sách cho nhà ở xã hội, ông Nam cho rằng khung pháp luật đã quy quy định tương đối đầy đủ nhưng ý thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương "chưa thực sự muốn phục vụ người dân, chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển nhà ở xã hội."

Đối với vấn đề quỹ đất cho nhà ở xã hội, luật pháp quy định phải dành 20% trong tổng quỹ đất dành cho các dự án phát triển nhà ở thương mại và đô thị để làm nhà ở xã hội. 

Nhà ở xã hội : Đầu vào không có, đầu ra cũng không - Ảnh 2.

Hội thảo Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: VŨ TUẤN

"Tuy nhiên, khi kiểm tra, rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện việc này. Nhưng không thực hiện không phải lỗi của doanh nghiệp mà do lỗi của chính quyền. Thực tế phê duyệt của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không phê duyệt 20% này", ông Nam nói. 

Theo chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, "đây là vi phạm luật, vi phạm nghị định của Chính phủ. Sau nữa, đi kiểm tra thì có một số dự án được phê duyệt nhưng lại không làm. Có những chỗ quy hoạch vào góc không đền bù. Nếu có đền bù thì giấu, không làm, đợi thu hồi để chuyển mục đích sử dụng làm dự án khác".

Những "bài" như vậy chúng tôi biết cả nhưng chưa đủ sức mạnh, chưa đủ quyền lực, thậm chí chưa đủ cương quyết để xử lý" - ông Nam nói.

Ông Nam khẳng định đất không thiếu, vấn đề là chưa thực hiện nghiêm. Thậm chí trên thực tế đất vẫn bỏ không.

Đối với vấn đề kinh phí cho xây dựng nhà ở xã hội, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay các dự án xây dựng, phát triển nhà ở xã hội trầm lắng hẳn xuống từ khi gói hỗ trợ 30.000 tỉ của Chính phủ hết.

Ông Nam nêu ví dụ: cả nước có 198.000 căn nhà ở xã hội thì 1 doanh nghiệp ở TP.HCM đã làm 20.000 căn. Tuy nhiên, đến nay "đầu vào" tắc vì không tiếp cận được vốn để làm tiếp. "Đầu ra" cũng không có vì người thu nhập thấp không vay được tiền để mua. Giá rẻ nhất cũng 500-600 triệu đồng/căn. Đối với người nghèo đây là số tiền rất lớn.

Rõ ràng nguồn ngân sách cho người có thu nhập thấp mua nhà, cho doanh nghiệp làm nhà không có. "Cho nên trong đề cương xây dựng chính sách, tôi đề nghị cần tạo ra nguồn lực. Đó là tiền cho doanh nghiệp và tiền cho người dân", ông Nam đề nghị.

Tất nhiên, ông Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định không nên quá trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước mà chính người dân phải có ý thức dành ra một khoản để lo chỗ ở cho mình. Nhà nước tạo cơ chế, tạo "kênh" để người dân tiết kiệm hoặc có thể áp dụng mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

Rao bán tràn lan nhà ở xã hội Rao bán tràn lan nhà ở xã hội

TTO - Trong khi nhiều người đủ điều kiện vẫn không thể mua được nhà ở xã hội, không ít người có được suất mua hay thuê căn hộ lại chuyển nhượng cho bên thứ ba với lý do “không có nhu cầu”, dù không được phép.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên