15/07/2022 16:28 GMT+7

Nhà máy nước tối ưu hệ thống xử lý bùn để tăng cường hiệu quả vận hành

LÊ PHAN
LÊ PHAN

Nhà máy nước Thủ Đức 3 đã làm chủ công nghệ trong quá trình vận hành, cải tiến hệ thống tách bùn theo đặc thù thời tiết và chất lượng nước của TP.HCM, giúp nâng cao sự ổn định hệ thống, đảm bảo cấp nước an toàn.

Nhà máy nước tối ưu hệ thống xử lý bùn để tăng cường hiệu quả vận hành - Ảnh 1.

Bể phân phối nước thô về hệ thống xử lý nước của Nhà máy nước Thủ Đức 3 - Ảnh: L.P.

Am hiểu để tối ưu

Nhà máy nước Thủ Đức 3 thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn (SWIC) sử dụng nước thô từ sông Đồng Nai để xử lý, cung cấp nước sạch cho người dân TP. Trong quá trình này, một lượng bùn sau khi qua bể lắng cần xử lý và công ty đã đầu tư hệ thống xử lý bùn ly tâm để tách bùn, góp phần tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo yếu tố môi trường.

Do có sự khác biệt lớn chất lượng nguồn nước sông theo mùa và theo từng năm, hệ thống thiết bị cũng cần được điều chỉnh tối ưu để phù hợp. Từ việc am hiểu đặc trưng của thiết bị với thông số cài đặt ban đầu không thể phù hợp cho suốt quá trình vận hành, nhân viên vận hành đã đề xuất giải pháp xử lý, điều chỉnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về giải pháp này, ông Trịnh Văn Thái, giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức 3, cho biết nhân viên vận hành đã tìm hiểu, nhận biết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và dùng thực nghiệm để điều chỉnh thiết bị.

Từ đó, hệ thống có thể châm hóa chất xử lý với liều lượng chính xác hơn, giúp hệ thống đáp ứng tốt hơn trong các trường hợp diễn biến của thời tiết để việc vận hành được thuận lợi và hiệu quả hơn.

"Từ khi áp dụng giải pháp, việc vận hành của hệ thống tách bùn ly tâm được hiệu quả hơn, đặc biệt vào mùa khô, giúp giảm thời gian ngừng máy, nhân lực cho công tác vệ sinh và bảo trì, tăng tuổi thọ của thiết bị", ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, hiệu quả việc cải tiến không chỉ giúp giảm thiểu chi phí bảo trì, nguồn nhân lực, hiệu quả việc sử dụng thiết bị, mà quan trọng hơn cả là đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục cho người dân vì công tác xử lý bùn cũng là một khâu quan trọng trong hệ thống xử lý nước cấp.

Nhà máy nước tối ưu hệ thống xử lý bùn để tăng cường hiệu quả vận hành - Ảnh 2.

Bùn lỏng được xử lý cô đặc lại giúp giảm tác động tới môi trường - Ảnh: L.P.

Đảm bảo cấp nước xuyên suốt

Về vấn đề đảm bảo cấp nước cho người dân, ông Vũ Đức Thắng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn, cho biết đơn vị luôn chủ động vấn đề này.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 căng thẳng tại TP, công ty đã triển khai thành công chương trình "3 tại chỗ" để vừa đảm bảo an toàn, liên tục sản xuất, đảm bảo công tác bảo trì, cũng như chăm lo đời sống cán bộ nhân viên.

"Chúng tôi luôn có kế hoạch đảm bảo nguồn cung cấp hóa chất, vật tư phục vụ sản xuất với yếu tố dự phòng cao. Điều này phát huy hiệu quả trong các năm qua và chúng tôi đã đặc biệt chú trọng tăng cường hơn nữa khả năng dự phòng khi có dịch nên nguyên liệu sản xuất luôn được cung cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng, giúp ổn định việc cấp nước cho người dân.

Trong những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, việc cấp nước vẫn luôn đảm bảo với công suất 300.000m3/ngày đêm vào công suất chung của ngành cấp nước TP", ông Thắng chia sẻ.

Nhận định về chất lượng nước sông Đồng Nai hiện nay, ông Thắng cho rằng so với sông Sài Gòn thì sông Đồng Nai có chất lượng nước ổn định hơn. Tuy nhiên không phải vì vậy mà ngành cấp nước chủ quan đối với công tác lấy nước thô và xử lý.

"Chất lượng nguồn nước sông hiện nay vẫn đảm bảo cho việc cấp nước. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn do hoạt động giao thông thủy gây tràn dầu, hóa chất hay các công ty, nhà máy dọc sông lén lút xả thải vào nguồn nước. Tuy rằng hệ thống công trình thu của chúng tôi đã được tính toán đảm bảo an toàn nhưng khi có sự cố thì việc xử lý triệt để cũng sẽ mất nhiều công sức và chi phí".

Về lâu dài, chúng tôi nhận thấy cần có các giải pháp đồng bộ để kiểm soát chất lượng nguồn nước sông, cũng như biện pháp chế tài với các đơn vị không tuân thủ đảm bảo an toàn nguồn nước. Đồng thời, đối với các khu vực lấy nước thô phục vụ nhà máy nước nên có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc xả thải trái phép để đảm bảo hơn nữa việc cấp nước an toàn", ông Thắng góp ý.

TP sản xuất khoảng 2,4 triệu m3 nước/ngày đêm

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, hiện nay tổng công suất của các nhà máy nước khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm, phục vụ cho khoảng 1,5 triệu người dân qua tổng chiều dài mạng lưới truyền tải và phân phối nước sạch khoảng 8.200km.

Nước sạch hiện nay được xử lý từ các nguồn gồm nước mặt chiếm khoảng 94% tổng sản lượng nước sạch trên toàn hệ thống cấp nước. Nước này lấy từ sông Đồng Nai 59% và sông Sài Gòn 35%. Nguồn nước ngầm chiếm khoảng 6% tổng sản lượng nước sạch, tuy nhiên sản lượng khai thác nước ngầm đang giảm dần theo lộ trình hạn chế khai thác nguồn nước ngầm của UBND TP.

Nước ngầm: nguồn nước ngọt khổng lồ của TP.HCM đối mặt nhiều đe dọa nghiêm trọng Nước ngầm: nguồn nước ngọt khổng lồ của TP.HCM đối mặt nhiều đe dọa nghiêm trọng

TTO - Nằm trên vị trí địa lý thuận lợi, chằng chịt kênh rạch, sông ngòi nên TP.HCM được ưu đãi một nguồn nước ngọt khổng lồ. Nhưng nguồn nước tại TP.HCM đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên