22/10/2023 19:47 GMT+7

Nhà mặt tiền quốc lộ mà không có tiền vì vướng quy hoạch di tích

30 năm qua, 43 hộ dân tại di tích lịch sử Dốc Miếu (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) sống tạm bợ, không thể làm nhà cửa, vay vốn kinh doanh do vướng quy hoạch di tích.

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ cấp đất nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng quy hoạch - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ cấp đất nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng quy hoạch - Ảnh: HOÀNG TÁO

Thời chiến tranh, khu vực Dốc Miếu là cứ điểm của địch, nơi xây dựng hàng rào điện tử McNamara quy mô lên tới 2 tỉ USD. Sau này, Quảng Trị quy hoạch di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu với kỳ vọng biến nơi đây thành điểm hút du khách.

Ở mặt tiền mà không có tiền mặt

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Mẫn (61 tuổi, thôn Lan Đình, xã Phong Bình) định cư ở đây từ năm 1992. Ông kể khu vực này hoang vu, nhưng có mặt tiền quốc lộ 1A nên mong tìm kiếm cuộc sống mới.

"Vì là cứ điểm quân sự nên đi đâu đụng mìn tới đó. Cày đất hoang gặp mìn chống tăng, mìn râu, mìn ba càng, mìn M14, đào giếng thì gặp đầu đạn M79", ông Mẫn kể.

Dù thế, gia đình ông vẫn tích cực khai hoang, bám trụ. Khoảng năm 1998 - 1999, Nhà nước có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân.

Gia đình ông Mẫn nộp tiền, nhưng không được cấp sổ đỏ do là đất di tích lịch sử.

Cạnh đó, người dân không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Một thời gian, người dân được thông báo di dời đi nơi khác nên ai cũng bồn chồn, không có tâm lý làm ăn.

Gia đình ông sống trong căn nhà xập xệ, dột nát, ẩm thấp. Đến năm 2017, quốc lộ 1A mở rộng, được đền bù một số tiền nên ông Mẫn vay ngân hàng để làm lại ngôi nhà. "Tôi định vay 150 triệu đồng để làm nhà khang trang, nhưng không có tài sản thế chấp nên chỉ vay được 50 triệu đồng", ông Mẫn kể.

"Có đợt lên kế hoạch làm trang trại heo, gà nhưng cũng không vay được ngân hàng, không có vốn, đành bỏ", ông Mẫn thở dài.

Gia đình ông Mẫn ở mặt tiền quốc lộ 1A sầm uất nhưng không thể tận dụng lợi thế để kinh doanh do thiếu vốn - Ảnh: HOÀNG TÁO

Gia đình ông Mẫn ở mặt tiền quốc lộ 1A sầm uất nhưng không thể tận dụng lợi thế để kinh doanh do thiếu vốn - Ảnh: HOÀNG TÁO

"Ở ngay mặt tiền quốc lộ 1A, muốn mở cái quán sạch đẹp cho vợ kinh doanh nhưng vốn không có. Gia đình chỉ muốn được cấp sổ đỏ để mở lối làm ăn. Ở mặt tiền mà không có tiền mặt", ông Mẫn bộc bạch.

Tương tự, hàng chục hộ dân định cư ở khu vực Dốc Miếu không được cấp sổ đỏ vì vướng quy hoạch. Khu vực này dọc quốc lộ 1A sầm uất, mặt tiền thuận lợi kinh doanh nhưng nhà cửa lụp xụp, nhếch nhách, mất mỹ quan đô thị.

Đề nghị điều chỉnh quy hoạch để gỡ vướng cho dân

Theo hồ sơ từ UBND huyện Gio Linh, tháng 12-1986, Bộ Văn hóa (cũ) có quyết định số 236 công nhận điểm căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu là di tích lịch sử.

Từ 1991 - 1998, nhiều hộ dân di dời đến đây sinh sống, được UBND huyện Gio Linh ban hành quyết định giao đất.

Tháng 1-2004, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt quy hoạch chi tiết khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu và hàng rào điện tử McNamara bao gồm toàn bộ đất đã được giao cho dân.

Đến tháng 1-2014, tỉnh Quảng Trị điều chỉnh quy hoạch khu di tích với diện tích 23,3ha, nhưng vẫn bao gồm thửa đất các hộ dân đang sử dụng.

Ông Mẫn nhiều lần muốn mở mang chuồng trại nhưng thiếu vốn nên phải hủy bỏ dự định - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Mẫn nhiều lần muốn mở mang chuồng trại nhưng thiếu vốn nên phải hủy bỏ dự định - Ảnh: HOÀNG TÁO

Có 43 hộ dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 44 thửa đất (1 hộ có 2 thửa đất). Các hộ đang sử dụng đất ổn định, có ranh giới rõ ràng không tranh chấp.

Do đó, huyện Gio Linh đề nghị điều chỉnh, bóc tách phần đất các hộ dân ra khỏi quy hoạch để ổn định đời sống người dân.

Ngày 4-10, trên cơ sở đóng góp của nhiều sở ban ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi đến UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị điều chỉnh và đưa 1,46ha đất ra khỏi quy hoạch di tích.

Sau khi điều chỉnh quy hoạch khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu và hàng rào điện tử McNamara thì đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Bãi bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt Đà Nẵng sau 18 năm ‘treo’Bãi bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt Đà Nẵng sau 18 năm ‘treo’

TTO - Sau 18 năm quy hoạch treo, dự án ga đường sắt Đà Nẵng tại quận Liên Chiểu đã được lãnh đạo UBND thành phố này ký quyết định bãi bỏ quy hoạch, mở đường ổn định cuộc sống hàng ngàn hộ dân khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên