30/10/2023 14:29 GMT+7

Nhà đầu tư nước ngoài muốn ‘giảm tối thiểu chậm trễ giải quyết công việc’

Các nhà đầu tư đã nêu nhiều kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để họ đầu tư vào khu vực này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 30-10, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết các doanh nghiệp đã quan tâm vào các sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo, trái cây và thủy sản.

Tuy nhiên, theo ông Nam, những lĩnh vực này đều đã có nhà đầu tư trên địa bàn. Vì vậy, ngoài quan tâm vào thế mạnh trên, những lĩnh vực mới, cần ưu tiên, đề nghị các địa phương và doanh nghiệp quan tâm.

Đầu tư vào khai thác nuôi biển và dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp

Cụ thể, có hai lĩnh vực cần ưu tiên là: khai thác nuôi biển theo dọc bờ biển của Đồng bằng sông Cửu Long vì dư địa còn lớn, hoặc tại những dòng sông lớn, đầu tư nuôi thế nào để đảm bảo môi trường.

Bên cạnh đó là đầu tư vào dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp, kể cả thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi - những lĩnh vực rất cần để đảm bảo vật tư cho sản xuất nông nghiệp, giúp giảm giá thành trong chuỗi sản xuất.

Ngoài ra, ông Nam cũng khẳng định quan điểm của bộ là đẩy mạnh đầu tư vào logistics lĩnh vực nông sản. Theo ông, hiện dịch vụ của ngành nông nghiệp tập trung vào đối tượng nuôi, còn quy trình, dịch vụ cung cấp thì đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhưng đầu tư một cách căn bản "thì còn nhiều vấn đề".

Ông Nam cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án về logistics nông sản, trong đó tập trung vào việc đầu tư xây dựng ở các vùng nguyên liệu ở các vùng miền để đảm bảo kho chứa nguyên liệu, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, giúp cho người nông dân. 

Tại đây sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã làm trung tâm dịch vụ, có kho chứa, có sân phơi, có nơi tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất.

Đồng thời cần đầu tư các trung tâm nông sản ở các thành phố lớn, có chức năng vừa chế biến sâu vừa xuất khẩu như Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ mà thành phố đã quy hoạch 450ha để thực hiện (đang trình Thủ tướng phê duyệt). 

Ngoài chế biến sâu, các đơn vị nghiệp vụ ngành nông nghiệp, cơ quan thuế, hải quan đều có mặt tại đây để đảm bảo quy trình, thủ tục, đầu ra của nông sản đều có kiểm soát.

Một vấn đề khác cần quan tâm là mô hình trung tâm dịch vụ logistics ở cửa khẩu, làm nhiệm vụ trữ hàng xuất khẩu đi các nước. Trước mắt làm ở Móng Cái, kế đến là Lạng Sơn và Lào Cai - 3 cửa khẩu chính để xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Bộ muốn làm những trung tâm dịch vụ này để giảm chi phí sản xuất vì hiện nay chi phí này còn rất cao, đội vào sản phẩm nông nghiệp. Khi giảm được giá thành xuống thì sẽ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân lên", ông Nam nói.

"Chúng tôi cần chính quyền tôn trọng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài"

Đại diện các nhà đầu tư, ông David John Whitehead (chủ tịch Tập đoàn Mavin kiêm phó chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam) cho biết: "Chính phủ Úc khuyến khích chúng tôi đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".

Ông David John Whitehead nêu các mong muốn để doanh nghiệp Úc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông David John Whitehead nêu các mong muốn để doanh nghiệp Úc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tuy nhiên, ông David John Whitehead cho rằng để các nhà đầu tư Úc đầu tư, họ cần sự hỗ trợ 5 vấn đề.

- Thứ nhất là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng để tối ưu hóa vấn đề hậu cần và vận chuyển các nguồn nguyên vật liệu của các nhà đầu tư.

- Thứ hai là cần có hướng dẫn rõ ràng về quy trình, thủ tục xin giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác.

- Thứ ba là cần chi tiết thời gian để thực hiện các bước của quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai đầu tư.

- Thứ tư, nhà đầu tư cần duy nhất một đầu mối liên hệ để giải quyết các vấn đề đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Thứ năm, nhà đầu tư cần được giảm tối thiểu sự chậm trễ trong việc giải quyết công việc và "vấn đề quan liêu". Nói cách khác là làm sao cho dễ dàng trong việc kinh doanh của nhà đầu tư.

"Chúng tôi cần chính quyền các tỉnh tìm hiểu rõ nhu cầu và tôn trọng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, làm những gì thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Chúng tôi tin tưởng có nhiều tiềm năng để đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long và chúng tôi sẽ đầu tư vào khu vực này trong tương lai", ông nói.

Long An gặp gỡ, xúc tiến đầu tư tại Đài LoanLong An gặp gỡ, xúc tiến đầu tư tại Đài Loan

Ngày 8-3, tại Trung tâm hội nghị GIS MOTC, Đài Loan (Trung Quốc) đã diễn ra Hội thảo về môi trường đầu tư tại Việt Nam, do Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á, Ủy ban Công tác Đài Loan, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Long An cùng tổ chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên