Thanh khoản yếu, dòng tiền của nhà đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán một cách dè dặt, sau 3 phiên liên tiếp giảm gần 70 điểm - Ảnh: BÔNG MAI
Sau khi trải qua phiên hôm qua giảm gần 27 điểm, thị trường chứng khoán đã đảo chiều hồi phục trong sắc xanh ngay khi mở phiên giao dịch 13-4. Tuy nhiên với sức mua yếu, VN-Index tiếp tục dùng dằng quanh mốc 1.455 điểm.
Dòng tiền đổ vào mua giúp đẩy giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng tăng như CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), VPB (VPBank), VCB (Vietcombank), MBB (MBBank)...
Song song đó, các mã GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), FPT (FPT), MSN (Masan), VNM (Vinamilk), DGC (Hóa chất Đức Giang)... cũng tạm thời trở thành công thần kéo thị trường đi lên.
Dù vậy thị trường vẫn đang bị hứng chịu áp lực bán ra đến từ nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như DIG (Đầu tư phát triển xây dựng), GAS (PetroVietnam Gas), VIC (Vingroup), MWG (Thế giới di động), DXG (Đất Xanh)...
Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu "họ FLC" vẫn chưa thoát khỏi cảnh cổ phiếu bị lao xuống giá sàn, danh mục đầu tư bị âm theo từng ngày. Các mã FLC (Tập đoàn FLC), ROS (FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) và ART (Chứng khoán BOS) đang bị nhà đầu tư tìm cách bán ra.
Chỉ sau ba phiên giao dịch gần đây, chỉ số chứng khoán VN-Index đã giảm hơn 70 điểm (-4,8%), có nguy cơ lùi về gần mức đáy kể từ đầu năm ở 1.425 -1.439 điểm. Riêng phiên 12-4 đã có tới 859 mã chứng khoán bị rớt giá, bao gồm 99 mã nằm sàn. Gộp cả ba phiên giao dịch vừa qua, vốn hóa sàn HoSE đã bị "bốc hơi" tới 267.800 tỉ đồng (xấp xỉ 11,7 tỉ USD).
"Thanh khoản giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng cũng như lực cầu bắt đáy sẽ chờ ở vùng giá thấp hơn. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư không nên bắt đáy, ưu tiên quản trị danh mục", đội ngũ phân tích của Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị.
MBS giải thích thêm, thông thường, sau các phiên giảm sâu, thị trường sẽ có các phiên hồi kỹ thuật. Vì vậy nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục khi dòng tiền đang có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 cũng như nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản đã có sự tích lũy trong thời gian vừa qua.
Chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.420 - 1.430 điểm. Đồng thời, VN-Index vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn, cho nên kỳ vọng sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang rơi vào vùng quá bán, dòng tiền bắt đáy có thể sẽ được kích hoạt trong những phiên tới.
Theo Yuanta, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ trung tính xuống giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục hạ tỉ trọng cổ phiếu về mức 30-35% danh mục, chưa nên bán hết toàn bộ danh mục.
Phía Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng việc thị trường tiếp tục giảm điểm và đóng cửa tại mức giá thấp nhất trong 3 phiên liên tiếp, cho thấy "phe gấu" - hay còn gọi là lực cung - vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường. Bên cạnh đó, thanh khoản tiếp tục giảm cho thấy lực cầu vẫn đang duy trì quan điểm thận trọng mặc dù chỉ số đang ở vùng giá thấp.
Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào nhịp hồi phục để giải ngân ở những cổ phiếu đã lùi về nền giá - hỗ trợ cứng và chờ cơ hội để thoát khỏi những cổ phiếu đã có dấu hiệu suy yếu. Ngoài ra, nên cẩn trọng với nhóm cổ phiếu có rủi ro cao.
Phố Wall mở rộng đà giảm, đồng USD tăng mạnh khi lạm phát leo thang
Phố Wall nhanh chóng quay đầu giảm trong phiên 12-4 sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tiếp tục đạt mức cao 8,5%, cao nhất kể từ tháng 12-1981 và cao hơn so với dự báo của thị trường là 8,4%.
Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục leo thang, các nhà đầu tư trú ẩn ở đồng USD. Đồng thời, các thành viên của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng phát đi tín hiệu mạnh mẽ về việc sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong cuộc họp vào tháng 5-2022, làm động lực cho đồng USD duy trì xu hướng tăng ngắn hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận