21/07/2012 01:17 GMT+7

Nhà có Phúc...

BaoChau
BaoChau

TT - Tôi quen Huỳnh Kim Hồng Phúc - chàng nông dân ấp Phú Lân, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh - khi cùng người bạn vào thăm mẹ Phúc điều trị tại bệnh viện. Ngưỡng mộ sự hiếu thảo anh dành cho mẹ, sau nhiều lần trò chuyện chúng tôi thân nhau hơn. Nhờ đó tôi hiểu rõ hoàn cảnh của Phúc.

Là con áp út trong gia đình sáu anh em, từ lâu Phúc ước mơ trở thành giáo viên. Tốt nghiệp phổ thông, những tưởng sẽ sớm chạm vào giấc mơ nhưng khi nhìn đôi mắt trũng sâu cùng những cơn đau nhức của mẹ, Phúc nghĩ nếu đi học không khéo sẽ thành gánh nặng cho gia đình. Gác lại ước mơ, Phúc quyết tâm đi làm thuê với suy nghĩ anh chị đã có cuộc sống riêng, mình còn trẻ trước mắt đi làm có tiền nuôi em ăn học và đỡ đần cha mẹ rồi hẵng tính sau. Nghĩ là làm, Phúc về Duyên Hải xin giúp việc trên những vuông tôm.

Một ngày cuối năm 2003, dành dụm tiền lương Phúc mang về cho gia đình, dự định ở nhà chơi ít hôm. Bỗng một đêm mẹ trở bệnh. Bàn chân bà tê rần, mất cảm giác, huyết áp tăng cao cùng những cơn khó thở kéo dài. Nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bà bệnh đái tháo đường và biến chứng nặng. Bàn chân nhiễm trùng và có dấu hiệu hoại tử, khả năng phải cắt bỏ nếu không chăm sóc tốt. Phúc xin người chủ gia hạn thời gian nghỉ để chăm sóc mẹ. Được không lâu tiền thuốc cạn dần, Phúc đành để anh chị chăm mẹ, riêng mình khăn gói trở về miệt Duyên Hải xa xôi. Tuy nhiên, nghĩ đến bệnh tình của mẹ lòng Phúc như lửa đốt. Thế là Phúc lại xin chủ trở về, “chờ mẹ khỏi hẳn mới quay lại” - chàng nông dân không mảy may biết đái tháo đường tuy không tức tốc cướp đi sinh mạng nhưng lại là căn bệnh đọa đày thể xác bệnh nhân!

Lần này bác sĩ cho biết bệnh của mẹ anh phải “sống chung” với nó. Sự hiếu thảo, tận tụy đã đẩy Phúc ra khỏi những vuông tôm đầy nắng gió và níu chân anh lại nơi bệnh viện! Từ đó, người trong khoa 1 nội tiết Bệnh viện Trà Vinh chứng kiến chàng thanh niên tuy lầm lũi ít nói nhưng chan hòa và đặc biệt rất kỹ tính ngày ngày chăm từng bữa ăn cho mẹ, đỡ đần mẹ tiểu tiện, tự tay giúp mẹ thay áo quần rồi mang đi giặt mà không một lời kêu ca hay có bất kỳ cử chỉ khó chịu nào. Thi thoảng người ta thấy Phúc cõng mẹ ra bancông, đỡ bà ngồi lên ghế và nhẹ nhàng dùng bông lau vết loét đang bốc mùi trên lưng bà...

Rồi tiền trị bệnh lại vơi nhanh theo những đợt xét nghiệm cùng nhiều chuyến chuyển mẹ lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mỗi khi bệnh trở nặng bất thường. Tranh thủ lúc sức khỏe mẹ ổn định, Phúc lại đi làm thuê. Thế nhưng trong lần mẹ trở về từ TP.HCM, chàng nông dân bỗng thấy trời đất sụp đổ và òa khóc nức nở khi nhận ra một chân của mẹ đã bị đoạn đến tận gối! Phúc khóc như thể việc mẹ đoạn chi là lỗi do mình đi xa không chăm sóc mẹ. Thế là từ đó Phúc không rời mẹ nữa.

Hôm tôi vào thăm bệnh, Phúc đang quạt cho mẹ. Vết loét ở lưng khiến bà không thể nằm nhiều tháng qua. Bà ngồi úp mặt vào gối và chỉ ngủ khi lả đi. Những lúc ấy lưng Phúc là chỗ tựa cho mẹ. Khi tôi hỏi thăm, bà không nói về bệnh tình của mình, chỉ bảo: “Tui chết sướng hơn chú ơi. Khổ lắm. Ông trời đày đọa thằng Phúc, kiếp trước nó mắc nợ tui và mắc nợ gia đình này”.

Bệnh của mẹ Phúc ngày thêm xấu đi. Không lâu sau bà về cõi vĩnh hằng.

Tôi gặp lại Phúc trong một chiều công tác khi anh vừa trên rẫy về. Nhắc đến mẹ, Phúc bỗng nhìn xa xăm và rưng rưng. Tôi hỏi liệu Phúc có tiếc nuối giấc mơ đứng trên bục giảng ngày nào. Không đáp lại câu hỏi, Phúc bảo nay tuy chỉ mới là cha của một đứa con nhưng đã thấy công ơn cha mẹ như trời biển. Điều tiếc nuối duy nhất là mẹ không sống lâu hơn để có thể phụng dưỡng mẹ nhiều và tốt hơn.

Tạm biệt Phúc ra về khi trời bắt đầu mưa. Cơn mưa nặng hạt khiến con đường trơn tuột. Trên con đường ngoằn ngoèo nhão nhoẹt ấy hẳn còn in dấu chân chàng nông dân thường cõng mẹ từ nhà ra ngõ để đến bệnh viện ngày nào. Tôi chợt nhớ đến câu thơ định đọc tặng Phúc nhưng lại thôi, bởi tôi sợ gợi lên nỗi buồn thương nhớ mẹ:

Bên này là cha/Bên kia là mẹ/Cõng vậy trăm năm/Cũng không trả đủ/ Công ơn sinh thành.

Ban tổ chức cuộc thi Người con hiếu thảo đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Phan Hoành Sơn (Hà Nội); Lê Thái Bình, Đinh Tiến Giang (Hà Tĩnh); Dương Hiền, Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên - Huế); Đỗ Thị Ngọc Diệp (Đà Nẵng); Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên); Đào Thị Thanh Tuyền (Khánh Hòa); Hà Thị Thu Vân, Trần Lượng, Lê Thị Nhung, Hoàng Thị Hoa, Lê Kiên, Huỳnh Thanh Thảo, Trần Huệ Mẫn, Nguyễn Thị Thu Hương (TP.HCM); Châu Ngọc Lạt (Bình Dương); Nguyễn Văn Công, Lê An (Đồng Nai); Anh Tú (Tiền Giang); Lê Công Sĩ, Triệu Ngọc Diệp, Huỳnh Diệu Phụng (Trà Vinh); Giang Nguyễn (Kiên Giang); Nguyễn Thành Công (Cà Mau); Huyền Vy (Lâm Đồng); Nguyễn Giao Linh (Đắk Lắk); Cao Thị Lai.

6XV6XAtD.jpgPhóng to
BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên