21/03/2018 09:50 GMT+7

Nhà băng vào cuộc 4.0, đua nhau mở ngân hàng số

M.THÀNH
M.THÀNH

TTO - Mùa đại hội cổ đông năm nay, bên cạnh các tin "truyền thống, thông tin được nhắc đến nhiều là cuộc đua đầu tư cho ngân hàng số - digital banking.

Nhà băng vào cuộc 4.0, đua nhau mở ngân hàng số - Ảnh 1.

Các ngân hàng đang hướng đến việc đầu tư ngân hàng số để giảm bớt giao dịch tại quầy. Trong ảnh là giao dịch tại một ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Trả lời tại đại hội cổ đông của VPBank mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết một trong các trọng tâm đầu tư của ngân hàng là dịch vụ ngân hàng số.

VPBank là ngân hàng đầu tiên huy động được 10.000 tỉ đồng từ ngân hàng số và digital banking cũng góp tới 40% số tài khoản mới mở. Kết quả là giao dịch tại quầy hiện đã giảm còn 17-18%.

Không chỉ các ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng nhỏ cũng nhập cuộc đua đầu tư cho ngân hàng số.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Vietbank ,cho biết ngân hàng này đang làm việc với Finastra - một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ - để xây dựng hệ thống Core Banking.

Theo ông Nhung, đây sẽ là khoản đầu tư lớn để làm thay đổi diện mạo vì hệ thống mới sẽ là công cụ hữu hiệu để nhanh chóng tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng.

Đầu tư cho ngân hàng số càng nóng hơn khi mới đây, CIMB, ngân hàng lớn thứ hai ở Malaysia về tổng tài sản, cũng đã chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên trong kế hoạch mở dịch vụ ngân hàng số (digial banking) tại Đông Nam Á, sau đó sẽ là Philippines.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng mới áp dụng nền tảng hợp kênh (Omni Chanel) vào các hoạt động của ngân hàng và cho biết đây là bước đầu tiên trong chiến lược chuyển đổi thành ngân hàng số.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho hay thời đại công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức khi hành vi người dùng bắt đầu thay đổi, đòi hỏi sự đa dạng, tốc độ, nhiều tiện ích và trên hết là tính bảo mật.

Với việc áp dụng nền tảng hợp kênh, ngoài các tính năng của ngân hàng điện tử thông thường, còn có các chức năng khác như quản lý tài chính, giỏ thanh toán, thanh toán định kỳ/tương lai… giúp khách hàng quản lý tài chính của mình.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã đầu tư thay đổi giao diện, tăng thêm các tính năng của hệ thống ngân hàng điện tử.

Người dùng có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, học phí, thanh toán vé tàu, vé máy bay, mua hàng trực tuyến.

Từ vài năm nay, ngân hàng đã tìm cách đẩy mạnh việc gửi tiết kiệm trực tuyến bằng việc cộng thêm lãi suất cho khách hàng. Không dừng ở huy động, tới đây có ngân hàng còn cho vay trực tuyến.

Ngoài việc đem lại tiện ích cho người dùng, theo các khảo sát, các ngân hàng có thể cắt giảm tới 25% chi phí bằng cách ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, giúp các ngân hàng tiết kiệm nhiều chi phí so với ngân hàng truyền thống đồng thời có thể tiếp cận được các khách hàng.

Ngân hàng số là ngân hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến thông qua internet.

Khách hàng không phải đến chi nhánh ngân hàng và giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan.

Việc số hóa ngân hàng cũng giúp giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng và thời gian cung cấp dịch vụ.

Do vậy ngân hàng số được coi là trọng tâm phát triển của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.

​Ngân hàng số: Xu hướng phát triển mới ​Ngân hàng số: Xu hướng phát triển mới

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay đang hình thành ngân hàng số, xu hướng mới cho ngân hàng bán lẻ tương lai, mang đến những cơ hội mới cho các ngân hàng thương mại nhưng cũng đặt ra những thách thức cần phải vượt qua cho các nhà quản lý.

M.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên