Các chuyên gia trong ngành nhận định, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như chủ trương và đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ khiến cho tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là rất lớn.
TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho biết, ứng dụng công nghệ số trong vận hành ngân hàng đang là xu hướng mới, tạo ra kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ, môi trường cạnh tranh khác biệt so với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống. Khách hàng có thể sử dụng điện thoại di động để thực hiện một cách dễ dàng các giao dịch với thời gian tối ưu.
Theo Tổ chức Giám sát doanh nghiệp quốc tế (BMI), Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có 52% dân số dùng Internet, tỉ lệ khách hàng của các hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số chiếm khoảng 44%.
Và tại Việt Nam, muốn xây dựng ngân hàng số, trước tiên cần thực hiện quy trình số hóa các điểm tiếp xúc khách hàng; tăng cường công nghệ số đối với sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và tăng giá trị lâu dài cho khách hàng...
Tuy nhiên, hiện nay, thách thức chủ yếu khi phát triển ngân hàng số là thay đổi văn hóa kinh doanh, kinh phí đầu tư và nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và quốc gia.
Bên cạnh đó, hiện nay, các ngân hàng đang đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ phía các công ty Fintech - những công ty ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động tài chính kinh doanh và ít bị ràng buộc bởi những quy định giống như ngân hàng.
Theo các chuyên gia, để tạo nền tảng cho phát triển ngân hàng số, các ngân hàng Việt Nam cần tổ chức bộ máy và cách thức quản lý chiến lược ngân hàng số, từ đó phát triển nguồn nhân lực phù hợp (kỹ năng, nhận thức và văn hóa kinh doanh); quản lý truyền thông, thông tin trên mạng xã hội; nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin, có kế hoạch quản lý rủi ro an ninh mạng, phân loại khách hàng để dễ quản lý.
Bên cạnh đó, các hệ thống ngân hàng nên xúc tiến hợp tác với các nhà bán lẻ để mở rộng năng lực phục vụ nhu cầu tìm kiếm và ứng dụng số hóa của khách hàng, bảo đảm chất lượng mạng lưới, tính tiện lợi và an toàn.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần đẩy mạnh thực hiện Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng khuôn khổ pháp lý chấp nhận giao dịch số, điện tử, chữ ký xác nhận điện tử...; phối hợp với các ngân hàng quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận