Suối và cỏ vẫn luôn là nhạc chủ đề cho một nhóm người yêu nhạc nhẹ, yêu Đà Lạt, yêu người, yêu rất nhiều và không được hồi đáp tình yêu: "Em muốn yêu mãi, nhưng chẳng một ai".
Âm nhạc của Nguyên Thảo, có thể nhờ ít người nghe, nghĩa là nằm rất sâu trong ngăn kéo, nên ít bị thời gian lôi ra vầy vò.
18 năm sau Suối và cỏ, Nguyên Thảo bỗng nhiên trở lại với một album mới. Nụ cười có Nguyên Thảo, có Võ Thiện Thanh, có Đà Lạt, có... Thượng Đế - như cảm hứng nguyên thủy.
Thế là ta biết mình được kỳ vọng nhiều. Kết thúc album đầu tay, Nguyên Thảo hát Suối và cỏ, hoàn toàn thả trôi theo dòng mây dòng nước: "Có mây trôi trên đồi vắng, có thông reo trên rừng vắng, có hoa thơm trên đồi cỏ xanh, ngậm sương sớm long lanh", thì ca khúc đầu tiên của Nụ cười dường như có cùng một tứ, với tựa đề Sương cỏ.
Vẫn có suối, nhưng là suối đêm, và khung cảnh chuyển qua tiếng côn trùng, ánh trăng khuya.
Đà Lạt vẫn là Đà Lạt. Võ Thiện Thanh vẫn là Võ Thiện Thanh. Nguyên Thảo vẫn là Nguyên Thảo.
Nguyên Thảo trong smooth jazz, R&B và world music tự tại như bước vào mộng cảnh thân thuộc của mình, chất liệu âm nhạc của Võ Thiện Thanh gần gũi với giọng hát của Nguyên Thảo như thể những nhành thông, những làn sương, những loài hoa nơi cao nguyên Đà Lạt đã luôn thân quen với những tâm hồn tìm kiếm một điều gì đó cao hơn chính mình, và đồng thời cũng tồn tại sẵn ở trong mình.
Vậy thì, ta có nhác thấy bóng "Thượng Đế" lần nào trong Nụ cười hay không? Không phải lúc nào ta cũng thấy (và điều này không quan trọng vì hành trình tìm Thượng Đế luôn quan trọng hơn chính diện mạo của Thượng Đế), nhưng chắc chắn là có.
Trong một vài khoảnh khắc khi âm nhạc vươn lên, vươn lên mãi và đạt đến thăng hoa, như ở ca khúc Dã quỳ, bắt đầu từ quang cảnh thực của đồi hoa dã quỳ bừng nở lúc đầu đông, và nhân vật trữ tình bị ngợp trước sự kỳ diệu của tạo hóa.
DÃ QUỲ
Những nốt cao của Nguyên Thảo và tiếng saxophone mở ra một cảm thức tình yêu theo nghĩa phổ quát, một tình yêu lớn lao hơn nhiều so với chủ thể yêu.
Chính ở đây Nguyên Thảo khác với Nguyên Thảo của album Suối và cỏ 18 năm trước. Khi ấy, thiên nhiên mênh mông còn lòng người thu vén vào nỗi cô đơn cá nhân, tất nhiên là vẫn đẹp theo cách của riêng nó, một vẻ đẹp thanh thoát mà rất phàm trần. Ở đây, thiên nhiên mênh mông và tâm hồn cũng mênh mông.
Những tầng tâm thức càng về những bài hát sau càng lên những bậc cao hơn. Từ những cuộc kỳ ngộ với Thượng Đế qua ngoại cảnh (tiếng côn trùng, đồi dã quỳ), đến Bọn trẻ trên thiên đàng, cuộc kỳ ngộ đã nằm trong ảo cảnh (hình dung về những đứa trẻ ra đi), và tới Nụ cười thì cuộc kỳ ngộ hoàn toàn nằm trong tâm cảnh.
Không cần một chất xúc tác nào như thiên nhiên hay con người để nhân vật trữ tình thấy được sự trắc ẩn và lòng xót thương của Thượng Đế, nhân vật lúc này chỉ cần nói chuyện với chính mình là đã thấy ánh sáng ấy rồi:
"Đừng than khóc khi đời buồn đau, hãy than khóc lương tâm chìm sâu, đời chìm sâu/ Đừng than khóc khi người tình xa, hãy than khóc ước mơ tàn úa, đời tàn úa".
Và rồi đến ca khúc cuối cùng, Một hôm bỗng nhớ, thì ngoại cảnh lại hiện ra qua tiếng nước róc rách. Lúc này, tâm cảnh và ngoại cảnh đã hòa làm một, không còn phân biệt trong/ngoài, ta/người, nhân/thần.
Nguyên Thảo cần 18 năm để từ Suối và cỏ đến với Nụ cười
Những quãng ngủ đông dài như thế của một nghệ sĩ, trên thế giới, ta đôi khi cũng thấy: Terrence Malick bẵng đi 20 năm từ tác phẩm điện ảnh Days of Heaven đến The thin red line, Kate Bush mất 12 năm kể từ album The red shoes đến Aerial...
Bỗng nhiên, họ trở lại, như chưa từng có cuộc đi xa, vẫn làm phim và hát nhạc như thể thế giới vẫn chẳng có gì thay đổi, mà nếu có thay đổi có khi họ cũng không quan tâm - họ đã tìm thấy mình trong một dòng thời gian khác, thời gian của Thượng Đế, và ai lại nỡ đong đếm thời gian của ngài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận