Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cục trưởng Cục Thuế Bình Dương được ban hành sau khi cơ quan này tiến hành thanh tra Nguyễn Kim Bình Dương, thời kỳ thanh tra từ 2012 đến 2017.
Theo đó, tổng số thuế thu nhập cá nhân bị truy thu trong thời kỳ này là hơn 1,071 tỉ đồng, ngoài ra cơ quan thuế cũng ra quyết định phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Nguyễn Kim Bình Dương hơn 454 triệu đồng với lỗi kê khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp và lỗi phạt chậm nộp tiền thuế. Tổng cộng, Nguyễn Kim Bình Dương phải nộp số thuế bị truy thu và phạt là hơn 1,526 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-11, ông Lê Thành Quý, cục phó Cục Thuế Bình Dương, cho biết cũng giống như tại TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến việc Nguyễn Kim Bình Dương bị truy thu thuế thu nhập cá nhân là doanh nghiệp này chỉ lấy lương cơ bản làm cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Số tiền còn lại bao nhiêu được đưa vào tiền tăng ca để lách thuế thu nhập cá nhân. Khi thanh tra, Cục Thuế Bình Dương phát hiện số tiền làm ngoài giờ rất lớn và bị tính sai quy định do vậy đã yêu cầu tính toán lại dẫn đến việc truy thu thuế thu nhập cá nhân. Trong đó phần lớn số thuế truy thu là của lãnh đạo doanh nghiệp này.
Trước đó, sau khi siêu thị điện máy Nguyễn Kim bị Cục Thuế TP.HCM truy thu số thuế khủng và người phản ánh có đơn tố cáo, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng đã thanh tra đột xuất việc thực hiện chính sách bảo hiểm tại Công ty CP thương mại Nguyễn Kim, niên độ từ tháng 1-2017 đến thời điểm thanh tra.
Theo kết quả thanh tra, có trên 400 trường hợp trong 17 đơn vị chi nhánh tham gia bảo hiểm xã hội tại TP.HCM của siêu thị điện máy Nguyễn Kim phải truy đóng do mức lương chưa đúng chức danh theo hợp đồng lao động hoặc do làm tròn số với số tiền truy đóng trên 330 triệu đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết theo Quy chế tiền lương, thưởng do siêu thị điện máy Nguyễn Kim xây dựng năm 2010, các phụ lục được xây dựng, bổ sung năm 2016, thỏa ước lao động tập thể thông qua tháng 7-2014, các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung người lao động được nhận thể hiện trên bảng lương thực tế của công ty hàng tháng như lương tháng 13, lương tăng ca, các khoản này không tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại thông tư số 59. Do đó có sự chênh lệch giữa lương thực nhận và tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là với các trường hợp là lãnh đạo đơn vị từ trưởng phòng, chuyên viên cấp cao trở lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận